Cao điểm sốt xuất huyết, cha mẹ tuyệt đối tránh sai lầm này khi con bị sốt
(Dân trí) - Ibuprofen có tác dụng hạ sốt mạnh và kéo dài thời gian hạ sốt hơn paracetamol. Tuy nhiên, nếu trẻ mắc sốt xuất huyết mà dùng thuốc hạ sốt này có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa.
Sốt là biểu hiện thường gặp ở nhiều bệnh, trong giai đoạn hiện nay ngoài bệnh Covid-19, cha mẹ cần lưu ý đến sốt xuất huyết. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) đã tiếp nhận hơn 60 trẻ mắc sốt xuất huyết, số ca mắc có xu hướng tăng từ tháng 8 trở lại đây. Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em đang điều trị 7 trẻ.
Chăm cậu con trai 6 tuổi mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đến giờ chị Thu Trang (Đan Phượng, Hà Nội) mới thở phào nhẹ nhõm vì con đã qua giai đoạn nguy hiểm. Trước đó hơn 1 tuần, con chị có biểu hiện sốt cao đột ngột 40-41 độ C, nôn khan ngày 1-2 lần, dùng thuốc hạ sốt chỉ giảm được một lúc rồi tăng trở lại.
Thấy vậy, chị đưa con đến khám tại Bệnh viện huyện Đan Phượng và được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết. Sau 3 ngày nằm viện, thấy tiểu cầu của con hạ thấp, chị xin chuyển con đến Bệnh viện Nhi Trung ương. “Rất may là sau đó tiểu cầu của con không tiếp tục hạ nữa, cháu cũng đỡ mệt và bắt đầu ăn lại được”, chị Trang nói.
Ngoài ra, cậu con trai út và bố chị Trang cũng mắc sốt xuất huyết, đang theo dõi tại nhà.
Chỉ nên dùng thuốc hạ sốt paracetamol
TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, độ tuổi trẻ mắc sốt xuất rất đa dạng, nhỏ nhất là trẻ sơ sinh vài ngày tuổi. Biểu hiện bệnh của trẻ khi khởi phát giống nhiều bệnh nhiễm trùng khác nên một số trường hợp ở giai đoạn đầu có thể bị nhầm với sốt virus.
Khi thấy con sốt, việc cha mẹ thường làm đầu tiên là cho con uống thuốc hạ sốt. Trong giai đoạn hiện nay, TS Lâm cảnh báo chỉ nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt đơn thuần là paracetamol, tránh dùng ibuprofen hay aspirin. Ibuprofen có tác dụng hạ sốt mạnh và kéo dài thời gian hạ sốt hơn so với paracetamol, tuy nhiên nếu trẻ mắc sốt xuất huyết mà dùng ibuprofen thì có thể tăng nguy cơ gây chảy máu, gây xuất huyết tiêu hóa.
Bản thân bác sĩ đã gặp nhiều trường hợp sau khi dùng paracetamol để hạ sốt cho con nhưng không đỡ nên đã chuyển sang dùng ibuprofen. Hậu quả trẻ phải nhập viện trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa rất nặng
“Thuốc hạ sốt ibuprofen chống chỉ định cho trẻ mắc sốt xuất huyết. Vì thế khi trẻ bị sốt nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, cha mẹ chỉ nên cho uống paracetamol, liều ở trẻ em là 10-15 mg/kg cân nặng, mỗi liều cách nhau 4-6 giờ”, BS Lâm nhấn mạnh.
Bên cạnh đó cũng không tự ý truyền dịch. Việc truyền dịch không có tác dụng hạ sốt, trong khi đó lại tiềm ẩn nguy cơ gây sốc rất nguy hiểm.
Sốt xuất huyết do virus gây nên, bệnh khởi phát cũng giống như các bệnh nhân nhiễm trùng khác: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau người, sang ngày 2-3 sốt cao, ban xuất huyết, đau bụng, nôn ói, kém ăn... Trong những trường hợp nặng có thể có biểu hiện sốc do mất dịch.
Do đó, việc bù dịch cho con cũng rất quan trọng nhưng phải bù đúng cách. Giai đoạn sau ngày thứ 5-6 của sốt, trẻ sẽ tái hấp thu nên nếu bù dịch không đúng theo phác đồ thành thừa dịch, gây tràn dịch đa màng, có thể làm trẻ khó thở do bù dịch không đúng.
Vì thế, khi con có biểu hiện sốt nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, cha mẹ nên đưa con đi khám để được bác sĩ tư vấn cách điều trị và theo dõi. Trường hợp cần thiết tiểu cầu hạ, có dấu hiệu xuất huyết… sẽ được chỉ định nhập viện, tránh biến chứng nguy hiểm.