Toàn cảnh sóng dịch kép đang bủa vây Hà Nội

Minh Nhật

(Dân trí) - Biến thể BA.5 đang chiếm ưu thế tại Hà Nội và dự báo có thể khiến F0 gia tăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, dịch sốt xuất huyết cũng đang diễn biến rất phức tạp với ca mắc mới tăng dựng đứng.

Ca sốt xuất huyết tăng "dựng đứng", 80 ổ dịch đang hoành hành

Sốt xuất huyết đang diễn biến rất phức tạp tại Hà Nội. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần thứ 36 Thủ đô ghi nhận 547 ca mắc sốt xuất huyết.

Số ca mắc tăng 46,3% so với tuần trước (374). Bệnh nhân ghi nhận tại 29 quận/huyện. Các điểm nóng về dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội có thể kể đến như: Đan Phượng (74), Thanh Oai (44), Bắc Từ Liêm (41), Thanh Trì (36), Hà Đông (34), Cầu Giấy (33).

Toàn cảnh sóng dịch kép đang bủa vây Hà Nội - 1

Phân bố số ca mắc/nghi mắc sốt xuất huyết Dengue theo tuần.

Trong tuần 36, Hà Nội cũng ghi nhận thêm 37 ổ dịch mới: Bắc Từ Liêm (10), Thanh Oai (6), Hai Bà Trưng (3), Hoài Đức (3), Đông Anh (2), Long Biên (2), Tây Hồ (2), Thanh Xuân (2), Thường Tín (2), Chương Mỹ (1), Gia Lâm (1), Hoàng Mai (1), Mỹ Đức (1), Thanh Trì (1).

Cộng dồn trong năm 2022, trên địa bàn Thủ đô đã có 2.263 ca mắc sốt xuất huyết và 3 ca tử vong. Số mắc tăng gấp 3,7 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021 (600 ca mắc, 0 ca tử vong). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; 395/579 xã, phường, thị trấn. Túyp virus Dengue lưu hành là DENV1 và DENV2.

Toàn cảnh sóng dịch kép đang bủa vây Hà Nội - 2

Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.

Từ đầu năm đến nay, Thủ đô cũng đã ghi nhận 240 ổ dịch tại 27 quận, huyện. Hiện tại còn 80 ổ dịch đang hoạt động, cụ thể tại: Bắc Từ Liêm (14), Thanh Oai (9), Hoài Đức (6), Đống Đa (5), Hai Bà Trưng (5), Hà Đông (5), Thường Tín (5), Tây Hồ (4), Thanh Trì (4), Đông Anh (3), Đan Phượng (3), Phú Xuyên (3), Mê Linh (2), Phúc Thọ (2), Thanh Xuân (2), Hoàng Mai (2), Long Biên (2), Mỹ Đức (1), Gia Lâm (1), Nam Từ  Liêm (1), Chương Mỹ (1).

Đáng chú ý, theo nhận định của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch.

Để kiểm soát dịch sốt xuất huyết, CDC Hà Nội sẽ tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao và ổ dịch cũ.

BA.5 chiếm ưu thế, dự báo ca mắc gia tăng

Trong tuần 36, Hà Nội ghi nhận 2.069 ca mắc Covid-19. Số ca mắc giảm 12,1% so với tuần trước (2.353 ca mắc).

Như vậy, trong tuần 36, Thủ đô ghi nhận 296 ca Covid-19/ngày. Bệnh nhân ghi nhận tại 28/30 quận/huyện/thị xã (trừ Đông Anh và Ba Đình không ghi nhận ca mắc).

Toàn cảnh sóng dịch kép đang bủa vây Hà Nội - 3

Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng (Ảnh: Mạnh Quân).

Trong đó một số quận huyện ghi nhận số ca mắc cao trên 100 ca bao gồm: Sóc Sơn (187), Bắc Từ Liêm (160), Thạch Thất (140), Long Biên (131), Nam Từ Liêm (112), Hà Đông (105).

Về công tác giám sát biến chủng của virus SARS-CoV-2, tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã tiến hành giải trình tự gen 404 mẫu bệnh phẩm dương tính tại cộng đồng.

Trong đó, biến thể Omicron vẫn là biến thể chiếm ưu thế hiện đã được phát hiện tại 30/30 quận huyện với 382/404 mẫu (94,5%); còn lại 22/404 mẫu (5,5%) nhiễm biến thể Delta.

Kết quả giải trình tự gen do Bệnh viện Bạch Mai thực hiện trong tháng 8 ghi nhận sự gia tăng tỷ lệ các mẫu nhiễm chủng BA.5 so với tháng 7 (tăng từ 20,7% lên 58,1%) và ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4.6.

Đến nay BA.5 và các dòng con của nó đã ghi nhận tại 18/30 quận, huyện.

CDC Hà Nội tiếp tục gửi 15 mẫu cho Bệnh viện Bạch Mai để làm giải trình tự gen, hiện đang chờ kết quả.

CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc Covid-19 ghi nhận trong tuần giảm nhẹ so với tuần trước. Tuy nhiên hiện nay Hà Nội ghi nhận sự gia tăng của biến thể phụ BA.4 và BA.5, đặc biệt là các dòng BA.5, do đó thời gian tới số ca mắc có thể gia tăng.