Thuốc lá điện tử tăng nguy cơ ung thư phổi
(Dân trí) - Khói từ thuốc lá điện tử có chứa một nguồn kim loại đáng kể (crom, niken, chì, mangan) và có khả năng dẫn đến nguy cơ ung thư.
Chia sẻ tại buổi hội thảo mới đây về các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương “điểm tên” một số thành phần trong thuốc lá điện tử ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cụ thể, nicotin có hàm lượng cao, là chất gây nghiện, ảnh hưởng đến hô hấp, tim mạch, não bộ, thời kỳ mang thai. Propylene glycol có thể tạo thành propylene oxide- một chất gây ung thư khi được đun nóng. Kim loại như chì, bạc cadmium, chromium, thuỷ ngân, niken có thể gây ung thư.
Ngoài ra, glycerin/glycerol gốc thực vật khi được đun nóng và hoá hơi sẽ tạo thành acrolein có thể gây kích ứng đường hô hấp trên.
Thuốc lá điện tử cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư
Theo chuyên gia, thuốc lá điện tử làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Khói từ thuốc lá điện tử có chứa một nguồn kim loại đáng kể (crom, niken, chì, mangan) và có khả năng dẫn đến nguy cơ ung thư. Cấu tạo thuốc lá điện tử và các thành phần sinh nhiệt là nguồn cung cấp kim loại chính trong khói thuốc.
“Các biến đổi phân tử dẫn đến ung thư ở người sử dụng sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá truyền thống là như nhau. Người sử dụng sử dụng thuốc lá điện tử có những biến đổi hóa học tương tự trong bộ gen tổng thể và trong thành phần DNA của họ như người hút thuốc lá truyền thống. Những thay đổi hóa học này có thể khiến các gen hoạt động sai lệch, và thường được tìm thấy trong hầu hết các loại ung thư ở người cũng như các bệnh nghiêm trọng khác”, PGS Nhung nhấn mạnh.
Theo ông, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện có xu hướng nhắm tới đối tượng là giới trẻ (đặc điểm thiết kế hấp dẫn, nồng độ nicotin cao), ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống và hành vi của giới trẻ. Sản phẩm này rất dễ gây nghiện và gây ra những thay đổi có hại cho não đang phát triển của thanh thiếu niên, làm gián đoạn sự phát triển của các mạch não, kiểm soát sự chú ý, học tập…
Vì thế ông cho rằng cần ban hành ngay quy định cấm, vận chuyển và buôn bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi tràn lan trên thị trường.
“Cần có biện pháp quản lý chặt chẽ việc quảng cáo, rao bán các sản phẩm này, đặc biệt trên internet… Đồng thời tăng cường các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá theo luật phòng chống tác hại thuốc lá và công ước khung của WHO, đặc biệt là tại trường học, cơ sở ý tế, nơi tập trung đông người”, PGS Nhung nhấn mạnh.
PGS. TS Lê Gia Vinh, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cũng cho biết, các sản phẩm thuốc lá mới đang được các công ty thuốc lá giới thiệu là một sản phẩm ít hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường. Tuy nhiên, đây chỉ là quảng cáo nhằm khuyến khích mọi người sử dụng.
“Với thuốc lá điện tử, người hút dễ bị gây nghiện và tăng nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường”, ông Vinh nhấn mạnh.
Theo Th.S Lê Thị Thu, Quản lý Chương trình phòng chống tác hại thuốc là và bệnh không lây, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới đã đi đến kết luận “Tất cả các loại thuốc lá đều độc hại bao gồm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng và không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá thông thường”.
“Tỷ lệ hiện sử dụng thuốc lá thế hệ mới ở Việt Nam còn chưa cao, nhưng với xu hướng gia tăng sử dụng ở Việt Nam và các nước, đặc biệt tăng tỷ lệ sử dụng trong thanh thiếu niên như Mỹ, Romania, Ý… cho thấy Việt Nam không nên cho phép thí điểm sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh”,Ths Thu nhấn mạnh.
Ths Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã kiến nghị Chính phủ cấm hoàn toàn mọi hình thức: mua bán, sản xuất, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng. Các tác động có hại đến sức khỏe con người và các hệ lụy xã hội do sử dụng các loại sản phẩm thuốc lá điện tử (chủ động và phơi nhiễm với khói thuốc lá điện tử) gây ra không thấp hơn so với thuốc lá thông thường.
Dấu hiệu sớm nhận biết ung thư phổi
Trong giai đoạn sớm, các triệu chứng của ung thư phổi thường không đặc hiệu nên dễ bị bỏ qua hoặc có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm phế quản phổi, lao phổi. Nhiều bệnh nhân đến viện khi bệnh ở giai đoạn muộn hoặc sau khi điều trị nhiều đợt không đỡ.
Các triệu chứng xuất hiện tuỳ thuộc vào vị trí và kích thước của khối u, mức độ xâm lấn đến các cơ quan lân cận cũng như di căn xa. Các dấu hiệu của ung thư phổi khá đa dạng, người bệnh cần lưu ý khi gặp các triệu chứng sau:
- Ho: là triệu chứng thường gặp. Khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi có biểu hiện ho, có thể là ho khan, ho có đờm, ho ra máu. Nhưng ho là một triệu chứng rất không đặc hiệu, và ung thư không phải là nguyên nhân mà người bệnh nghĩ đến đầu tiên. Tuy nhiên, nếu bạn ho kéo dài, không rõ nguyên nhân và không đáp ứng với điều trị thì bạn nên đến chuyên khoa ung bướu để thăm khám.
- Khó thở: cũng là một triệu chứng hay gặp trong ung thư phổi. Cảm giác khó thở thường xuất hiện khi giai đoạn bệnh không còn sớm và hay gặp với khối u ở trung tâm gây hẹp lòng khí quản lớn hoặc do khối hạch trung thất chèn ép vào đường thở. Đôi khi, người bệnh còn có thể xuất hiện tiếng thở khò khè nặng nhọc.
- Đau ngực: hay gặp khi khối u đã xâm lấn đến thành ngực. Điểm đau thường tương ứng với vị trí khối u, người bệnh có thể bị đau tức ở vùng ngực, lưng hoặc vai. Các cơn đau có tính chất dai dẳng, âm ỉ, tăng lên khi ho hoặc hít thở sâu.
- Khàn tiếng: thường do khối u phổi trái hoặc hạch trung thất chèn ép vào dây thần kinh. Khi nội soi sẽ thấy tình trạng liệt dây thanh âm trái.
- Các triệu chứng: đau vùng vai, cánh tay, ngón tay kèm tê bì dị cảm xuất hiện khi khối u đỉnh phổi chèn ép đám rối thần kinh cánh tay. Các khối u vùng này còn có thể gây ra một số triệu chứng khác như sụp mí măt, nóng bừng và đỏ nửa mặt cùng bên.
- Hạch cổ: khi người bệnh tự sờ thấy khối hạch vùng cổ, đặc biệt là các hạch rắn chắc, to nhanh không đi kèm với các dấu hiệu viêm nhiễm vùng họng, miệng thì nên đến viện để nhận được thăm khám và tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa ung thư.
- Sụt cân: Trong các trường hợp sự sụt cân diễn ra nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân, không liên quan đến sự cắt giảm calo khẩu phần ăn, thì rất có thể do nguyên nhân bệnh ung thư gây ra.
Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh nhân ung thư phổi có thể được phẫu thuật để kéo dài sự sống, tỷ lệ sống trên 5 năm xấp xỉ 40 đến 50%. Tuy nhiên, bệnh nhân bị ung thư phổi nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì tiên lượng không mấy khả quan.