1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thanh tra an toàn thực phẩm như “muối bỏ bể”

(Dân trí) - Ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản Hà Nội cho rằng, với khoảng 10 triệu dân, mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ 1.000 tấn thịt lợn, 3.000 tấn rau, 600 tấn hải sản với khoảng gần 18.000 cơ sở kinh doanh, cán bộ rải ra như "muối bỏ bể" nên việc đảm bảo ATTP vẫn còn hạn chế.

Tại buổi tọa đàm "Chống thực phẩm bẩn - 'cuộc chiến' bắt đầu từ cơ sở" chiều 26/5 tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, đại diện các cơ quan chức năng đều cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.

Tình trạng mất ATTP luôn là một vấn đề nhức nhối của xã hội.
Tình trạng mất ATTP luôn là một vấn đề nhức nhối của xã hội.

Theo ông Giang, lượng thực phẩm tiêu thụ tại Hà Nội là rất lớn. Với khoảng 10 triệu dân, mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ 1.000 tấn thịt lợn, 3.000 tấn rau, 600 tấn hải sản với khoảng gần 18.000 cơ sở kinh doanh, cán bộ rải ra như "muối bỏ bể" nên việc đảm bảo ATTP vẫn còn hạn chế.

Vì thế, thời gian tới, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản Hà Nội sẽ tăng cường thanh tra, đặc biệt tăng cường thanh tra đột xuất, tăng cường xử lý các vi phạm để làm gương, răn đe cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác.

Đặc biệt trong việc kiểm tra tồn dư chất cấm, hóa chất bảo vệ thực vật trong rau, trong thịt, hiện Hà Nội đang trình để mua thêm một số xe kiểm nghiệm lưu động, nhằm phát hiện nhanh các nguy cơ này khi kiểm tra tại các chợ dân sinh, nơi lượng tiêu thụ thịt, rau rất lớn. Dựa vào kết quả sàng lọc ban đầu, các mẫu thực phẩm dương tính sẽ được chuyển tiếp đến các phòng kiểm nghiệm chuyên sâu để phân tích, lấy đó làm cơ sở xử lý vi phạm.

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, trong 6 tháng qua tại Hà Nội đã áp dụng thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp xã, phường tuy nhiên chưa mang lại hiệu quả thực sự như mong muốn. Bởi tồn tại quá nhiều chợ cóc, các điểm bán hàng nhỏ lẻ, không dễ dàng kiểm tra nguồn gốc của gánh xôi, hàng trứng vịt lộn, lại thêm tâm lý nể nang quen biết nên hoạt động này chưa mang lại hiệu quả như kì vọng.

Sở Y tế Hà Nội phối hợp với báo Hà Nội Mới phát động cuộc thi viết “Chung tay vì An toàn thực phẩm” năm 2016. Cuộc thi nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đảm bảo cung cấp đến người tiêu dùng thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc. Mặt khác, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn thành phố, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân; nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong sử dụng thực phẩm; tạo thói quen không tiêu dùng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thói quen sử dụng thực phẩm an toàn... Qua đó, kịp thời tôn vinh, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua thực hiện ATTP.

Thời gian bắt đầu nhận bài đăng bài từ 25/5 đến 20/9-2016. Nội dung mỗi bài viết biểu dương các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm ATTP; tôn vinh các mô hình, điển hình trong sản xuất, chế biến, lưu thông các sản phẩm nông, lâm, thủy sản… đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, phê phán các đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định về đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm… với dung lượng từ 600 – 1200 từ. Ban tổ chức sẽ trao 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba và 05 giải Khuyến khích cho các tác phẩm báo chí chất lượng cao.

Tú Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm