1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thành công chẩn đoán, chữa bệnh từ xa cho 1 bệnh nhân nặng

(Dân trí) - Mới đây, một bệnh nhân 27 tuổi ở thôn 2, xã Tân Bình (huyện Đăk Đoa, Gia Lai) đã được cứu sống trong tình trạng bệnh rất nguy kịch và đã được chẩn đoán là “tạng tiểu cầu nguyên phát trên thai lưu 37 tuần tuổi”.

Sau khi kết nối mạng với Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ và được sự hướng dẫn cách chữa trị từ xa của các chuyên gia đầu ngành; tập thể y - bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện chữa trị thành công.

 

Việc lắp đặt và kết nối thành công hệ thống chẩn đoán, chữa bệnh từ xa không những cấp cứu kịp thời cho các bệnh nhân nặng tại chỗ, đảm bảo sự an toàn cao so với việc chuyển viện cấp cứu vào TP Hồ Chí Minh như trước đây. Đồng thời, người bệnh cũng giảm được mức chi phí tối đa trong quá trình chuyển viện lên tuyến trên, mà chỉ chi trả 100.000 đồng cho mỗi lần kết nối. Bên cạnh đó, sẽ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn của bác sĩ ở tuyến cơ sở, tạo sự tin tưởng cho bệnh nhân tại địa phương và giảm tải tại các bệnh viện tuyến trên.

 

Đây là sự phối hợp giữa ngành Y tế Gia Lai phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông TP Hồ Chí Minh đầu tư hệ thống kết nối mạng Internet chẩn đoán, chữa bệnh từ xa cho những bệnh nhân nặng nguy kịch trên địa bàn không có điều kiện chuyển lên tuyến trên để điều trị. Có 3 Bệnh viện đầu ngành tại TP Hồ Chí Minh được kết nối thực hiện nhiệm vụ chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân từ xa là Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ và Trung tâm Chấn thương chỉnh hình. Dự án này được triển khai thực hiện cho 4 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và khu vực trong cả nước, trong đó có Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.

 

Thông qua mạng kết nối này, khi có bệnh nhân nguy kịch cấp cứu khẩn cấp, các bác sĩ bệnh viện tuyến cơ sở thông báo cho Trung tâm điều hành là Sở Y tế và Sở Thông tin - Truyền thông TP Hồ Chí Minh để kết nối với các bệnh viện có liên quan. Các bác sĩ tại tuyến cơ sở khẩn trương chuẩn bị hồ sơ, bệnh án gửi qua đường truyền Internet rồi kết nối hình ảnh bệnh nhân đưa lên màn hình lớn quan sát, kết quả nhận diện tốt ở 2 đầu. Sau khi các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành ở tuyến trên khám, hội chẩn đi đến thống nhất và chỉ dẫn qua màn hình trực tuyến cho các bác sĩ tuyến cơ sở thực hiện theo đúng chỉ dẫn, bảo đảm kịp thời và an toàn trong quá trình cấp cứu cho bệnh nhân.

 

Văn Thông

TTXVN

Dòng sự kiện: Nội lực ngành Y