Hoạt động thể lực - Đơn thuốc trị bệnh không lây nhiễm đến Việt Nam

(Dân trí) - Khái niệm kê đơn hoạt động thể lực vẫn còn khá mới mẻ trên thế giới nhưng nay đã được triển khai tại Việt Nam với dự án Hoạt động thể lực trong phòng và điều trị bệnh không lây nhiễm do ĐH Y Hà Nội phối hợp với Viện ĐH Karolinska (Thụy Điển).

Hoạt động thể lực - Đơn thuốc trị bệnh không lây nhiễm đến Việt Nam - 1

Nên duy trì hoạt động thể lực 30 phút mỗi ngày ngay từ khi còn trẻ để phòng và điều trị các bệnh không lây (Ảnh minh họa: Tuổi trẻ)
GS Carl Johan Sundberg, Viện ĐH Karolinska (Thụy Điển), cho biết, kê đơn hoạt động thể lực là phương thức điều trị bệnh không lây nhiễm không cần dùng thuốc, được sử dụng lần đầu tại Thụy Sĩ, sau đó áp dụng cho toàn Thụy Điển từ cách đây 2 năm. Phương pháp này đã được chứng minh là phát huy tác dụng dự phòng và giảm nhẹ triệu chứng trong một số bệnh không lây nhiễm như: đái tháo đường, béo phì, bệnh lý tim mạch, loãng xương, đau lưng, đau khớp, rối loạn lo âu và trầm cảm; giảm nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư ruột kết cũng như giảm mạnh các ca tử vong nói chung và do tim mạch nói riêng.

 

Mỗi bệnh nhân sẽ được bác sĩ cung cấp một đơn gồm những bài tập thể lực được cá nhân hóa cho chính họ hoặc cho một nhóm để phục vụ việc điều trị từng loại bệnh.

 

Đơn giản nhất là hoạt động thể lực bằng cách đi bộ với cường độ nhẹ 5 ngày/tuần với thời lượng tăng dần từ 5-10 phút lên 20-30 phút/ngày.

 

Hay như “bài thuốc” vận động giảm nguy cơ rối loạn chuyển hóa tim mạch ở người thừa cân là: giảm 2 tiếng ngồi 1 chỗ mỗi ngày, đi bộ nhanh khoảng 1.500 bước trong 2,5 tiếng chia làm 3 lần/tuần…

 

Nhìn chung, “mỗi người nên tập thể dục đủ 30 phút mỗi ngày là tốt nhất. Cường độ tối thiểu phải ở mức trung bình (như đi bộ nhanh). Còn kê đơn hoạt động thể lực trong điều trị bệnh thì các bài tập được hướng dẫn riêng cho từng người bệnh hoặc từng nhóm người bệnh có cùng thể trạng, bệnh lý”, GS Carl Johan Sundberg khuyên.

 

Không hoạt động thể lực - Mối đe dọa lớn nhất hiện nay

 
Tại khóa học về kê đơn hoạt động thể lực diễn ra tại Đại học Y Hà Nội mới đây, các chuyên gia của Viện Karolinska (Thụy Điển) đã cung cấp nhiều nghiên cứu thuyết phục của thế giới về những mối nguy khi con người ngồi nhiều, lười vận động.

 

Theo nghiên cứu tại Australia về lối sống, tiểu đường và béo phì trên gần 9.000 người lớn trong gần 7 năm cho thấy: trong số 3% trường hợp tử vong thì 87 ca là do bệnh lý tim mạch và 125 ca là do ung thư. Ngoài ra, cứ mỗi giờ xem ti vi trong ngày sẽ làm số ca tử vong chung và do tim mạch nói riêng tăng 10% đến gần 20%.

 

Một nghiên cứu của WHO trên hơn 50.000 người cho thấy, không hoạt động thể lực làm tăng yếu tố nguy cơ tác động mạnh như hút thuốc lá, tăng lipit máu và tăng huyết áp (nguyên nhân thứ 4 gây tử vong ở các bệnh không lây nhiễm) còn nếu hoạt động thể lực giúp tăng tuổi thọ lên 6 - 9 năm.

 

Với bệnh lý tim mạch, nghiên cứu trên gần 10.000 nam giới (độ tuổi từ 20 - 82) của Viện Aerobics (Mỹ) trong 5 năm  cho thấy, số tử vong ở đối tượng không hoạt động thể lực cao gấp 3 lần so với nhóm đối chứng tập thể dục.
 

Các chuyên gia khẳng định không hoạt động thể lực là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe hiện nay bởi một loạt bệnh lý liên quan trực tiếp đến hành vi lười vận động này.

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Nội lực ngành Y

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm