“Mở ra cơ hội sống với những người suy tạng mãn”

(Dân trí) - Chia sẻ cảm xúc ngay sau khi được tôn vinh, nhận Giải thưởng Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực Y Dược, GS.TS Bùi Đức Phú và PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cho biết: “Mừng nhất là đề tài thành công, thực sự mở ra cơ hội sống với những người suy tạng mãn”.

Xin được chúc mừng hai Giải thưởng Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực Y Dược năm nay. Cảm xúc của các thành viên trong nhóm như thế nào khi được xướng tên bước lên bục vinh quang nhận giải Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực Y Dược năm 2011?

GS.TS Bùi Đức Phú, Giám đốc bệnh viện TƯ Huế, trưởng nhóm nghiên cứu “Triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não tại bệnh viện T.Ư Huế”:

Chúng tôi đến với Giải thưởng Nhân tài đất Việt bằng một suy nghĩ hết sức đơn giản, đó là làm thế nào để cho mọi người biết được rằng, Việt Nam chúng ta có thể thực hiện được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực y học. Bởi những kỹ thuật đỉnh cao đó (ghép tim, ghép tạng từ người cho chết não) chúng ta đều có đủ năng lực, ý chí, kiến thức và điều kiện thực hiện. Người bệnh hoàn toàn có thể tin tưởng vào nền y tế Việt Nam, về trình độ của các thầy thuốc trong nước để khỏi phải vất vả ra nước ngoài khám bệnh.
 
“Mở ra cơ hội sống với những người suy tạng mãn” - 1

GS.TS Bùi Đức Phú (bên phải) tự hào bởi Nhân tài đất Việt là một giải thưởng cao quý

Chúng tôi thực sự tự hào và hi vọng. Tự hào bởi đó là một giải thưởng cao quý, vinh danh khoa học, các tiến bộ kỹ thuật y học đỉnh cao. Hi vọng sẽ có thêm nhiều nhiều người dân hiểu được ý nghĩa nhân văn cao quý của việc hiến tạng để có thêm nhiều người đăng kí hiến tạng từ khi còn sống. Hi vọng sự đầu tư nhiều hơn nữa của nhà nước để có thể triển khai rộng hơn nữa kỹ thuật này, cứu được nhiều người bệnh, mang lại cuộc sống tốt đẹp nhất cho họ.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện Việt Đức, trưởng nhóm “Nghiên cứu triển khai ghép thận, gan, tim lấy từ người cho chết não”:

Thật tuyệt vời, bởi đây không chỉ đơn giản là một giải thưởng, mà là sự ghi nhận một thành quả lao động không biết mệt mỏi của tất cả các thành viên trong nhóm ghép tạng, của các cán bộ bệnh viện Việt Đức.

Chúng tôi tự hào bởi thế hệ trẻ ngày nay đã tiếp nối, đã thực hiện được ước nguyện của GS Tôn Thất Tùng và các thế hệ thầy, cô trước đó về việc ghép tạng cho những người bệnh bị suy tạng mãn, những con người mà cuộc sống của họ phập phù như ngọn đèn trước gió, có thể từ biệt cõi đời bất cứ khi nào.

Thành công này một lần nữa khẳng định, trong kỹ thuật ghép tạng, khó nhất là ghép gan, tiếp đến là ghép thận, ghép tim thì trình độ của các bác sĩ của Việt Nam không thua bất cứ một nước nào trên thế giới. Thực tế, ca phẫu thuật ghép gan, thận, tim từ người cho chết não được thực hiện tại bệnh viện Việt Đức tháng từ tháng 5/2010 đến nay đều do 100% bác sĩ Việt Nam thực hiện. Đến nay, tất cả các ca ghép này đều thành công, người bệnh được ghép đã có một cuộc sống tốt hơn với tình trạng sức khỏe ổn định.

Đề tài này thành công, mở ra một cơ hội sống tuyệt vời cho những người bệnh bị suy tạng giai đoạn cuối tưởng vô phương cứu chữa. Đặc biệt, tôi cho rằng, công trình này thành công còn vô cùng có ý nghĩa về mặt kinh tế. Vì hiện nay, chi phí ghép tạng ở Việt Nam rẻ bằng 1/3 khu vực và trên thế giới. Ví như chi phí ghép thận, ở các nước cùng khu vực bệnh nhân sẽ mất khoảng 35.000 USD, còn tại bệnh viện Việt Đức người bệnh chỉ nộp từ 200 - 230 triệu. Còn ca ghép gan đầu tiên từ người chết não tại viện, chi phí chỉ hết 500 triệu, trong khi chi phí này ở các nước trên thế giới là từ 1- 1,5 tỷ đồng.Vì thế, ghép tạng ngay trong nước giúp người bệnh tiết kiệm được tiền bạc, chi phí.

Trong quá trình thực hiện các đề tài này, nhóm Nghiên cứu có gặp nhiều khó khăn?
 
“Mở ra cơ hội sống với những người suy tạng mãn” - 2

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cùng tập thể các y bác sĩ bệnh viện Việt Đức tại lễ trao giải Nhân tài Đất Việt
 
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết:

Phải nói là trải qua muôn vàn khó khăn, có những lúc tưởng phải dừng đề tài vì không tìm được nguồn cho tạng từ người chết não, mặc dù, mỗi ngày, 5 - 7 người bệnh thiếu may mắn chết não từ bệnh viện Việt Đức chuyển về gia đình để an táng. Cái khó khăn lớn nhất là vận động người nhà hiểu được để họ đồng ý cho tạng đó. Có những lúc vận động, cả thầy thuốc, gia đình bệnh nhân rơi lệ. Nhưng khi nhìn những người bệnh suy tạng sống lay lắt không biết chết lúc nào, chúng tôi quyết tâm phải cố gắng, phải thực hiện đề tài bằng được để cứu sống họ.

Cái khó đó đến nay vẫn còn tồn tại, chưa thể khắc phục. Đó là lý do dù chúng tôi đã làm chủ các kỹ thuật ghép tạng, nhưng kể từ ca ghép thận đầu tiên hồi tháng 3/2010 từ người cho chết não đến nay vẫn mới chỉ dừng lại tổng thể 4 người chết não hiến tạng để ghép tim cho một trường hợp, 2 người được ghép gan, 8 người được ghép thận, 2 người được ghép van tim.

GS.TS Bùi Đức Phú:

Khó khăn đến mức nhiều lúc tưởng chừng không làm tiếp được. Thực tế, chúng tôi đã 3 lần bị ghép “hụt”. Các ê kíp ghép tim đã sẵn sàng, phòng mổ được chuẩn bị, người được ghép đã được đưa đến phòng mổ… nhưng rồi, mọi việc phải dừng lại bởi một người trong dòng họ người hiến tạng không đồng ý. Và đến nay, bệnh viện TƯ Huế vẫn chỉ dừng lại ở con số 1 bệnh nhân được ghép tim từ người chết não bởi nguồn hiến tạng rất khó khăn, do tâm lý, quan niệm tâm linh vẫn hằn sâu trong tâm trí nhiều người Việt.
 
“Mở ra cơ hội sống với những người suy tạng mãn” - 3
Hội đồng ghép tim BV Trung ương Huế nhận Giải thưởng Nhân tài Đất Việt
 

Một Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người vừa được thành lập tại Việt Nam. Hai ông có kỳ vọng rằng, Trung tâm này ra đời sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động ghép tạng, ghép các bộ phận cơ thể người từ người chết não?

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết:

Tôi cho rằng, Trung tâm này ra đời sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động trong lĩnh vực ghép tạng. Nhưng như tôi đã nói, trong ghép tạng hiện nay, khó nhất là nguồn hiến tạng. Trong khi trên thế giới, 90% các trường hợp ghép tạng là từ nguồn cho chết não, còn tại Việt Nam, đến nay, số ca được ghép từ nguồn cho chết não vẫn đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, phải làm sao để đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu về việc cho, hiến tạng, về ý nghĩa nhân văn, cao đẹp của nó.

GS.TS Bùi Đức Phú:

Trung tâm điều phối ghép tạng chắc chắn sẽ hoạt động cho cả miền Trung, miền Nam. Với Trung tâm này, tôi nghĩ Trung tâm chỉ mới làm được đầu mối là lên được danh sách những người chờ ghép tạng với đầy đủ các tiêu chí. Khi có thông tin từ người cho bất kể ở nơi đâu, người ta sẽ điều phối tạng cho cho người nhận phù hợp, gần nhất để tổ chức ghép. Cái việc cần làm nữa là công tác truyền thông đại chúng để thay đổi những yếu tố về tâm lý, yếu tố về tôn giáo, truyền thống đè nặng trong đời sống tâm linh người châu Á. Có vậy mới có thêm nhiều nguồn hiến, nhanh chóng sử dụng được những tạng đó một cách hiệu quả.

Xin cảm ơn hai ông và một lần nữa xin chúc mừng thành công của hai nhóm nghiên cứu!

Hồng Hải (thực hiện)

Dòng sự kiện: Nội lực ngành Y

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm