ĐBSCL:

Tập trung chống dịch tả lợn Châu Phi… nhưng không “tẩy chay” thịt lợn

(Dân trí) - Hiện các tỉnh miền Tây đang quyết liệt phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Trong đó, ngành thú y siết chặt các xe vận chuyển lợn qua các cửa ngõ giao thông, tiến hành phun thuốc sát trùng, khử độc. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm nguyên tắc “5 không” để phòng chống dịch. Ngành chức năng cũng kêu gọi người dân không “tẩy chay” thịt lợn, vì bệnh này không lây cho người.

Theo Cục Thú Y (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến 5/3, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện ở chính tỉnh của Việt Nam và đã có hơn 6.400 con lợn đã bị tiêu hủy do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi. Do dịch tả lợn châu phi hiện nay chưa có vắc xin hay thuốc để phòng trị, khi lợn đã nhiễm bệnh, tỷ lệ chết 100% vì vậy công tác phòng chống được đặt lên hàng đầu.

Tại An Giang, ngày 1/3, UBND tỉnh đã ban bành kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn Châu Phi, nhằm chủ động ngăn chặn kịp thời, phát hiện sớm và hạn chế thiệt hại cũng như hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, góp phần phát triển chăn nuôi ổn định.

Ngay sau đó, ngành thú y An Giang thực hiện nhiều công tác, như thông tin truyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng từ báo đài địa phương đến trung ương; tập huấn công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi cho hộ chăn nuôi, in phát 10.000 tờ rơi cho người dân, 1.000 áp phích giúp người dân nhận diện đặc điểm bệnh dịch tả lợn Châu Phi, triệu chứng bệnh và đường truyền lây bệnh… và số điện thoại đường dây nóng để người dân báo dịch.

1.jpg

Cán bộ thú y Trạm Kiểm dịch đấu mối giao thông tỉnh An Giang (ngã 3 phà Vàm Cống ) tiến hành phun thuốc  sát trùng, khủ độc xe tải vận chuyển lợn vào tỉnh An Giang

Tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm nguyên tắc “5 không”: không giấu dịch, không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết, không giết mổ tiêu thụ thịt lợn bệnh, thịt lợn chết, không vứt lợn chết ra môi trường, không sử dụng thức ăn dư thừa nuôi lợn mà không qua xử lý nhiệt.

Ông Trần Tiến Hiệp – Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y An Giang, cho biết: “Hiện nay từ tỉnh đến các huyện, xã đã có Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tả lơn Châu Phi. Riêng ngành thú ý tỉnh, tại các trạm kiểm dịch, cửa ngõ giao thông, cừa khẩu đều có cán bộ túc trục 24/24 để kiểm tra, phun thuốc khử trùng, khử độc các phương tiện vận chuyển lợn ra vào tỉnh An Giang. Vì con người và phương tiện là hai yêu tố quan trọng làm lây lan bệnh trên diện rộng, do đó khi ngành chức năng kiểm tra chặt các phương tiện vận chuyển lợn thì ý thức của người dân, nhất là các hộ chăn nuôi thực hiện nguyên tắc “5 không” sẽ góp phần ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi”.

Ngoài công tác phòng chống dịch, An Giang còn lên kịch bản xử lí khi có dịch xảy ra. Cụ thể như: dự trù số lượng lợn nhiễm bệnh, cách tổ chức tiêu hủy, khoanh vùng ổ dịch và cách thức vận chuyển xử lí lợn bệnh; chính sách hỗ trợ cho người dân…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh An Giang có 113.000 con lợn, với số lượng này bình quân một ngày đêm An Giang nhập khoảng 700 con lợn từ các địa phương khác. Cũng theo ngành Thú Y An Giang cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn An Giang chưa phát hiện lợn nhiễm bệnh tai xanh, lở mồm long móng hay dịch tả Châu Phi.

lon ra dao.JPG

Riêng các phương tiện tàu, chở lợn ra các đảo của huyện Kiên Hải, huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) bố trí lực lượng kiểm tra nghiêm ngặt; tăng cường kiểm tra phun thuốc khử trùng, khử độc tàu thuyển, xe vận chuyển lợn

Còn tại Kiên Giang, địa phương hiện có 340.000 con lợn, tuy nhiên mỗi tháng Kiên Giang phải nhập thêm khoảng 5.000 con lợn. Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đang tập trung nhiều lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, tích cực tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, nhất là các hộ chăn nuôi, mua bán, các lò giết mổ. Đối với người dân tuyệt đối không giấu dịch, mua bán vận chuyển lợn chết, hoặc vứt lợn chết ra môi trường…Tăng cường công tác thanh kiểm tra tại các chợ, lò giết mổ, tổ chức phun thuốc, khử trùng.

Chi Cục thú y tỉnh KIên Giang đã thành lập 5 tổ kiểm dịch lưu động; bố trí cán bộ túc trực 24/24 tại các trạm kiểm dịch, cửa khẩu, siết chặt công tác kiểm dịch, phun thuốc khử trùng, khử độc các xe vận chuyển lợn… Đồng thời, Kiên Giang còn thành lập 2 tổ ứng phó nhanh nhằm đôn đốc, giám sát, chỉ đạo, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh trên các địa bàn huyện. 

Với địa phương có nhiều đảo, cửa khẩu quốc tế nên công tác kiểm dịch của Kiên Giang có nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các xã đảo, nhất là ở huyện đảo Phú Quốc vì gần như thịt lợn nhập 100% từ đất liền qua đường hàng không, đường biển...

2.jpg

Đới với các tỉnh có đường biên giới, cửa khẩu quốc tế, Bộ đội biên phòng tăng cường công tác kiểm tra xử lí các trường hợp vận chuyển lợn, thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn không đúng qui định

Trong khi đó tại Đồng Tháp, mặc dù đến thời điểm hiện tại ngành chức năng tỉnh chưa ghi nhận trường hợp lợn chết liên quan đến dịch tả lợn Châu Phi nhưng trong công tác phòng chống dịch tả, Đồng Tháp lo lắng khi lực lượng cán bộ thú y ở cấp xã không còn, trong khi lâu nay lực lượng này mỏng, thiếu…

Nhưng với quyết tâm cao độ trong công tác phòng chống dịch tả Châu Phi, UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo yêu cầu nhiều ngành tham gia vào công tác phòng chống dịch. Trong đó, Sở NN&PTNT làm  nòng cốt, tăng cường cán bộ từ Chi Cục Thú y xuống các huyện, phối hợp với Phòng NN&PTNT, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân biết dấu hiệu lợn bệnh, nhận diện dịch tả Châu Phi và áp dung ngay biện pháp “5 không”;

Với ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch, tổ chức phun thuốc khử trùng, độc tại các cơ sở nuôi tập trung, chợ mua bán thịt lơn, đặc biệt là siết chặt các phương tiện vận chuyển lợn qua các cửa ngõ ra vào Đồng Tháp, tiến hành kiểm dịch, phun thuốc sát trùng, khử độc các phương tiện này.

Theo ông Nguyễn Văn Công – Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật và kiểm soát giết mổ, kiên quyết xử lý các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc; các trường hợp giết mổ lậu, sản phẩm động vật không có dấu kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh của cơ quan thú y. Để phòng ngừa dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện các cửa ngõ vào tỉnh được lực lượng thú y tăng cường để kiểm tra, giám sát.

Hiện tại Đồng Tháp có 250.000 con lợn, với số lượng lợn này hàng năm Đồng Tháp xuất bán ra nhiều tỉnh. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng lợn từ các tỉnh miền Đông vận chuyển lợn vào Đồng Tháp để bán. Do đó, ngành thú ý Đồng Tháp đặc biệt chú tâm, kiểm soát các phương tiện vận chuyển lợn từ các địa phương khác vào Đồng Tháp, tiến hành phun thuốt sát trùng, khử độc nghiêm ngặt.

Hiện nay, nhiều tỉnh miền Tây tập trung tuyên truyền sâu rộng cho người dân và các cấp chính quyền hiểu rõ, không được chủ quan, lơ là với dịch bệnh. Đồng thời các tỉnh huy động cả lực lượng Bộ đội Biên phòng, tuyên truyền cho người dân biên giới về tác hại việc vận chuyển lợn; kiểm tra bắt giữ các vụ vận chuyển lợn nhập lậu, sản phẩm từ lợn. Ngành chức năng cũng kêu gọi người dân không “tẩy chay” thịt lợn vì dịch tả lợn Châu Phi không lây truyền qua người.

“Sau đợt giá thịt lợn giảm giá sâu, nhiều hộ chăn nuôi bể nợ vì thua lỗ. Sau khi giá lợn ổn định trở lại, nhiều hộ dân vay tiền, nuôi lợn để mong lấy lại chút vốn. Nhưng bây giờ, nếu người dân quay lưng với thịt lợn, giá lợn tiếp tục giảm, người chăn nuôi chúng tôi sẽ lãnh đủ, tiếp tục thu lỗ, vỡ nợ…”.  Một hộ chăn nuôi ở An Giang, chia sẻ.

Nguyễn Hành