1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hỗ trợ Quốc tế giúp Việt Nam chống dịch tả lợn Châu Phi

(Dân trí) - Chỉ hơn 1 tháng kể từ khi xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên, đến nay Việt Nam đã lây lan ra 17 tỉnh thành với 239 ổ dịch. Để ngăn chặn dịch tiếp tục lây lan trên diện rộng Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ từ tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc.

Dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người và gây bệnh cho con người, tuy nhiên nó gây tử vong cho lợn nuôi và lợn rừng. Trước đây, dịch chỉ khu trú tại Châu Phi và một số nước Châu Âu, nhưng hiện nay dịch đang tràn sang các nước Châu Á. Cuối năm 2018 dịch đã tấn công Trung Quốc rồi tràn qua biên giới vào Việt Nam.

dich ta.jpg

Ổ dịch tả lợn Châu Phi tại tỉnh Thanh Hóa được tiêu hủy ngay sau khi phát hiện (ảnh: Bình Minh)

Thông tin từ Cục Thú y cho hay, những ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên được phát hiện tại 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên được công bố dịch vào ngày 19/2. Đến nay, dịch đã lây lan sang 17 tỉnh thành với 239 ổ dịch, 25.000 con lợn đã bị tiêu hủy để ngăn chặn sự lây lan của dịch.

Đây là lần đầu tiên dịch tả lợn Châu Phi tấn công vào Việt Nam nên người chăn nuôi chưa có kiến thức cũng như kinh nghiệm trong phòng chống nên tiềm ẩn nguy cơ dịch tiếp tục lây lan trong thời gian tới.

Trước tình hình trên (từ ngày 11 đến 15/3) Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã phối hợp với tổ chức Thú y Thế giới tiến hành đánh giá khẩn cấp tại các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng nhằm tăng cường khả năng ứng phó của Việt Nam đối với dịch tả lợn Châu Phi. Đoàn nhận định, các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, thực hiện an toàn sinh học thấp và sử dụng nguồn thức ăn thừa từ nhà bếp làm thức ăn cho lợn là yếu tố tạo điều kiện cho dịch lan rộng.

Từ thực tế trên, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia Quốc tế về dịch tả lợn Châu Phi các biện pháp tốt nhất để xử lý, tiệu hủy lợn; tư vấn để sử dụng các nguồn lực sẵn có nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi rút; đề xuất các giải pháp ngay lập tức cũng như ngắn hạn và trung hạn. Đây là những phương án kết hợp các hành động này với kế hoạch ứng phó khẩn cấp dịch tả lợn Châu Phi của Việt Nam với các dự án ứng phó của khu vực, tạo cơ sở cho việc xây dựng dự án đáp ứng dịch tả lợn Châu Phi cho Việt Nam.

Theo ông Albert T. Lieberg, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cho hay: “Việt Nam hiện có khoảng 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn, khi đàn lợn buộc phải tiêu hủy vì dịch tả lợn Châu Phi và các biện pháp kiểm soát dịch sẽ dẫn tới gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình ở vùng nông thôn. Cùng với các tổ chức khác, chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đối phó và giảm thiểu hậu quả do dịch tả lợn Châu Phi gây ra”.

Nghệ An xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi thứ 3

Ngày 19/3, thông tin từ Trạm thú y huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, trên địa bàn vừa phát hiện thêm một đàn lợn có mẫu kết quả dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.
Theo đó, gia đình ông Nguyễn Thành V. (trú tại xóm 11, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu) có đàn lợn 5 con (trong đó có 1 con lợn nái và 4 con lợn thịt). Sáng 18/3, con lợn nái bỗng nhiên lăn ra chết, chỉ ít phút sau đó 1 con lợn thịt cũng có dấu hiệu bị bệnh.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, gia đình ông V. đã nhanh chóng báo tin chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Nhận được tin báo, Ban thú y xã Quỳnh Hưng phối hợp với Trạm Thú y huyện Quỳnh Lưu có mặt tại hiện trường để lấy vật mẫu mang đi xét nghiệm; đồng thời phối hợp với địa phương tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn hiện có của gia đình ông V. theo đúng quy định.

Trưa 19/3, địa phương nhận được thông báo, đàn lợn bị chết được lấy mẫu có kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

Sau khi phát hiện ổ dịch, UBND xã Quỳnh Hưng lập 3 chốt kiểm dịch ở 3 tuyến đường giáp ranh, đồng thời phân công lực lượng công an túc trực 24/24 để kiểm soát phương tiện, phun tiêu độc, khử trùng để tránh dịch bệnh lây lan.

Tính đến thời điểm này, Nghệ An đã xuất hiện 3 ổ dịch tả lợn châu Phi tất cả đều ở địa bàn huyện Quỳnh Lưu.

 

Quảng Nam lập 2 chốt kiểm dịch tả lợn Châu Phi

 Sáng nay 20/3, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đã tiến hành lập 2 chốt để kiểm tra bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên tuyến QL1A nhằm phục vụ công tác phòng chống bệnh dịch này đang ngày một lan rộng ở các tỉnh phía Bắc.

Theo đó, một chốt được lập ở đầu mối giao thông phía Bắc đặt tại thôn Bồ Mưng 1 (xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn) và chốt ở đầu mối giao thông phía nam đặt tại thôn Hòa Đông (xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành).

Quảng Nam lập chốt kiểm dịch tả lợn Châu Phi

Chốt kiểm dịch tả lợn Châu Phi được lập ở đầu mối giao thông phía Bắc tại thôn Bồ Mưng 1, xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn

Thành viên tham gia túc trực 24/24h kể cả ngày nghỉ cuối tuần và ngày lễ tại 2 chốt gồm lực lượng của Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh.

Theo quyết định của tỉnh Quảng Nam, các chốt kiểm dịch có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tất cả phương tiện vận chuyển heo, sản phẩm từ heo đi qua chốt, thực hiện các nội dung theo quy định tại điểm a, b, c khoản 2 của Điều 40 Luật Thú y và các quy định hiện hành có liên quan. Xử lý, tham mưu xử phạt các trường hợp vi phạm trong việc vận chuyển heo, sản phẩm của heo theo quy định.

Theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam, chủ hàng phải thực hiện các hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y theo quy định và phải trả chi phí cho việc tiêu hủy (gồm hóa chất, dụng cụ, phương tiện vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn từ nơi phát hiện đến nơi tiêu hủy, công lao động đào hố, chôn lấp, phun thuốc tiêu độc khử trùng tại hố chôn), các chi phí khác phục vụ trực tiếp công tác phòng chống dịch. Chủ hàng có lợn hoặc sản phẩm của lợn bị tiêu hủy không được hỗ trợ thiệt hại...

Nguyễn Tú - C.Bính

Vân Sơn