Các tỉnh phía Nam rốt ráo chặn dịch tả châu Phi
(Dân trí) - Không kể ngày đêm, lực lượng liên ngành tại chốt kiểm dịch động vật làm nhiệm vụ 24/24 để kiểm soát, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi đang diễn ra khá phức tạp tại các tỉnh phía Bắc, tránh lây lan vào Nam. Các phương tiện chở gia súc đi qua đều được xử lý tiêu độc, khử trùng trước khi tiếp tục hành trình.
Thức thâu đêm kiểm soát, ngăn dịch tả lợn châu Phi ở cửa ngõ Bắc Quảng Trị
Đêm về khuya, tại chốt kiểm dịch động vật liên ngành phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên QL 1A qua xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (tiếp giáp với tỉnh Quảng Bình), vẫn hoạt động không ngừng nghỉ. Chốt kiểm tra có 5 thành viên: gồm, 3 cán bộ Chi cục chăn nuôi thú y, 1 cán bộ Cục Quản lý thị trường và 1 cán vộ CSGT Công an tỉnh.
Không chỉ các phương tiện chở lợn từ Bắc vào, mà mọi phương tiện chở gia súc, gia cầm đều phải qua các bước kiểm tra khá chặt chẽ.
Theo quyết định 445/QĐ-UBND, trước tình trạng bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang bùng phát và lan rộng tại nhiều địa phương, tỉnh Quảng Trị lập 2 chốt kiểm dịch động vật liên ngành phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên QL 1A qua xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (tiếp giáp với tỉnh Quảng Bình) và trên đường Hồ Chí Minh thuộc thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh.
Cán bộ Chi cục Thú y kiểm tra hiện trạng động vật trên xe.
Chốt kiểm dịch có chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát và xử lý những vi phạm về kiểm dịch, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn theo quy định của Luật Thú y và hướng dẫn của Bộ NN-PTNT. Khử trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật đi qua chốt kiểm dịch.
Ông Trần Văn Kỳ - Cán bộ Chi cục chăn nuôi thú y (Trưởng chốt) cho hay, các cán bộ của đơn vị làm việc tại chốt kiểm dịch, kể cả các đơn vị phối hợp như CSGT, QLTT đều phải làm nhiệm vụ liên tục 24/24 theo quyết định của tỉnh. Chúng tôi phải sinh hoạt ngay tại chỗ, thay phiên nhau kiểm tra, kiểm soát phương tiện.
Theo cán bộ Chi cục Thú y, chốt hoạt động chính thức từ ngày 9/3 đến nay. Theo thống kê những ngày qua, có gần 45 phương tiện chở lợn từ các tỉnh phía Bắc vào Nam, chủ yếu vẫn là các tỉnh Quảng Bình vào Huế, Đà Nẵng. Các phương tiện chở lợn đường dài đã ít hơn trước.
Gần khuya, phương tiện mang BKS 36C- 16389 chở lợn qua chốt, theo tín hiệu của CSGT tài xế nhanh chóng dừng xe. Sau khi kiểm tra giấy tờ hợp pháp, kiểm tra thực tế trên xe, cán bộ Chi cục chăn nuôi thú y nhanh chóng xịt khử trùng, tiêu độc trước khi phương tiện di chuyển vào phía Nam. Hành trình chở động vật từ Nghệ An vào Long An.
Thực hiện bước tiêu độc, khử trùng với phương tiện.
Cán bộ Chi cục chăn nuôi thú y cho biết, các phương tiện phải có chứng nhận kiểm dịch động vật do Chi cục Thú y tỉnh cấp mới được vận chuyển ra khỏi địa bàn. Để phòng bệnh và ngăn dịch lây lan, tất cả các xe đều phải thực hiện tiêu độc, khử trùng mới được di chuyển tiếp.
Mặc dù, dịch tả lợn chưa có dấu hiệu xuất hiện tại Quảng Trị, tuy nhiên các lực lượng liên ngành đang thực hiện chặt chẽ việc kiểm tra, phòng dịch. Đồng thời, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm, các biện pháp xử lý với lợn nghi mắc bệnh, đã mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy.
Mặt khác, cơ quan thú y tăng cường kiểm soát việc giết mổ, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm thịt lợn, kiểm tra hoạt động vận chuyển, mua bán, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc…
Cán bộ chốt liên ngành làm việc thâu đêm để kiểm soát, ngăn dịch tả lợn.
Trong cuộc họp gần đây, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh vật nuôi tỉnh nhấn mạnh: Bệnh dịch tả lợn Châu Phi là loại bệnh rất nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh và một khi đã xảy ra diện rộng thì khó kiểm soát được, gây thiệt hại nặng nề. Do đó, đề nghị không được lơ là, chủ quan, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn nguồn bệnh từ ngoài vào.
UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các địa phương thành lập đoàn công tác, kiểm tra tình hình dịch bệnh ở vùng chăn nuôi lợn thịt tập trung, các trại chăn nuôi, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống và cam kết báo cáo ngay khi phát hiện có dịch.
Lực lượng liên ngành canh ở Quốc lộ để ngăn dịch.
Thành lập đội kiểm tra liên ngành, hoạt động thường xuyên trên các trục đường giao thông, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm của lợn nhập vào địa bàn hoặc vận chuyển lưu thông qua địa bàn.
Lực lượng thú y, công an, quản lý thị trường tổ chức duy trì chốt kiểm soát 24/24 h, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, hóa chất để phục vụ cho công tác ngăn chặn, kiểm tra xác minh, lấy mẫu chẩn đoán bệnh, hướng dẫn giám sát vệ sinh tiêu độc khử trùng vùng chăn nuôi, khu vực buôn bán lợn và sản phẩm lợn.
Khánh Hòa lập 2 trạm kiểm dịch trên quốc lộ 1 để chặn dịch tả heo Châu Phi
Chiều 18/3, ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện nay tỉnh Khánh Hòa đã thành lập 2 trạm kiểm dịch động vật tạm thời trên quốc lộ 1 nhằm phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc biệt là bệnh dịch tả heo Châu Phi.
Theo ông Lê Tấn Bản, hiện nay ngành nông nghiệp đã triển khai thành lập 2 trạm kiểm dịch động vật tạm thời trên quốc lộ 1, trong đó một trạm đoạn qua địa bàn xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh) và một trạm đoạn qua xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh, từ hôm 16/3.
“2 trạm này sẽ kiểm tra, kiểm soát tất cả các xe chở động vật như heo, trâu, bò… đi vào địa bàn tỉnh. Trạm do Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa chủ trì, phối hợp với một số ngành liên quan như công an giao thông, quản lý thị trường và cán bộ chính quyền địa phương trực 24/24”, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa cho hay.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, hiện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chưa xuất hiện bệnh dịch tả heo Châu Phi nhưng nguy cơ bệnh dịch lây lan và xuất hiện trên địa bàn là rất cao.
Một chủ trại heo trên địa bàn TP Nha Trang, Khánh Hòa đang chăm sóc cho đàn heo
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa – ông Lê Đức Vinh đã ký Chỉ thị về việc tập trung triển khai các giải pháp ngăn chặn bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa theo dõi chặt chẽ, tổng hợp diễn biến tình hình bệnh dịch tả heo Châu Phi ở các tỉnh, nhất là các tỉnh lân cận để có giải pháp quản lý, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn.
Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở NN&PTNT thành lập trạm kiểm dịch động vật tạm thời trên quốc lộ để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo; đồng thời chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch heo, sản phẩm từ heo, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định.
Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thống kê, báo cáo số lượng đàn heo, hộ chăn nuôi của địa phương, lập kế hoạch và thông báo cho người chăn nuôi biết để chủ động phối hợp thực hiện phun khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi trong tháng 3/2019.
Ngoài ra, yêu cầu các xã, phường tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các địa điểm buôn bán, giết mổ heo, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ heo, sản phẩm heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Nếu phát hiện heo ốm, chết có triệu chứng nghi bệnh dịch tả heo Châu Phi thì tổ chức lấy mẫu xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh và tổ chức tiêu hủy đàn lợn nếu dương tính với bệnh dịch tả heo Châu Phi.
Trước đó, vào sáng 3/3, lực lượng chức năng trong lúc đi tuần tra đã phát hiện 2 điểm heo chết bị vứt ra môi trường, với gần 40 con tại hồ chứa nước Suối Dầu (xã Suối Tân, huyện Cam Lâm) và tại kênh chính nam hồ chứa nước Cam Ranh (xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm).
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa đã kiến nghị UBND huyện Cam Lâm chỉ đạo Công an huyện điều tra, xác minh theo hướng heo từ nơi khác đưa vào vứt trên địa bàn huyện này.
Đ. Đức - Viết Hảo