Sức khỏe các ca Covid-19 nặng nhất miền Bắc hiện nay ra sao?
(Dân trí) - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết tất cả bệnh nhân Covid-19 nặng, đang được điều trị tại cơ sở y tế này, đều đã hồi phục tốt, cai hoàn toàn thở oxy.
Cụ ông 72 tuổi ở Hải Dương cai hoàn toàn thở oxy
Theo BS Phạm Văn Phúc, khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân Covid-19 nặng nhất đang điều trị là cụ ông N.H.T, 72 tuổi ở Hải Dương (BN1045). BN1045 đã cai hoàn toàn thở oxy từ ngày 11/9.
Các tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân cũng đã ổn định, không cần phải sử dụng kháng sinh.
“Bệnh nhân rút ống, cai oxy nhưng vẫn còn mệt. Sinh hoạt cá nhân vẫn cần có sự trợ giúp của nhân viên y tế nên vẫn đang được giữ lại khoa Hồi sức tích cực để điều trị, chăm sóc” – BS Phúc cho hay.
Một tín hiệu tích cực khác về tình hình sức khỏe của bệnh nhân này là ông đã có 2 lần xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2. Chỉ cần thêm 1 lần xét nghiệm âm tính nữa là BN1045 có thể được công bố khỏi bệnh.
Trước đó, BN1045 đã phải thở máy xâm nhập ngay sau khi vừa nhập viện do tình trạng suy hô hấp nặng. Bên cạnh đó, cụ ông này còn có tình trạng bội nhiễm nhiễm vi khuẩn.
Sau 8 ngày điều trị, nhờ đáp ứng tốt, ông được rút ống nội khí quản và tập thở oxy. Tuy nhiên, giai đoạn đầu tập cai máy thở, BN1045 lại xuất hiện tình trạng mê sảng gây không ít khó khăn cho công tác điều trị.
Bệnh nhân từng chạy ECMO chờ ngày ra viện
Với bệnh nhân 58 tuổi ở Bắc Giang (BN793) từng phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo), BS Phúc cho biết: “Bệnh nhân đã hồi phục rất tốt, đã cai hoàn toàn thở oxy được 2 ngày. Vừa hôm qua đã được chuyển lên khoa Virus – Ký sinh Trùng”.
Theo chuyên gia này, hiện BN793 chỉ cần phải tập thêm thể lực để phục hồi các chức năng. Bệnh nhân cần chờ đủ 3 lần xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 để có thể công bố khỏi bệnh. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày 14/9 của bệnh nhân vẫn còn dương tính yếu, nên cần theo dõi thêm.
Theo đánh giá của BS Phúc, trong giai đoạn mới của dịch, BN793 là ca Covid-19 nặng nhất miền Bắc. Khi nhập viện chức năng phổi rất kém, có thời điểm phổi đông đặc đến 90% và phải chạy ECMO. Thậm chí, có những lúc hỗ trợ ECMO và thở máy cho bệnh nhân ở mức tối đa.
Bên cạnh vấn đề về hô hấp, bệnh nhân còn bị bội nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc. Đây là tình trạng thường gặp ở các ca Covid-19 nặng. Ở nước ta, nhiều ca bệnh tại Đà Nẵng, cũng như một số ca Covid-19 nặng từng điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã gặp tình trạng này.
“Điều may mắn là ông đã đáp ứng điều trị tốt. Việc ông hồi phục là niềm vui của tất cả các y, bác sĩ trong khoa Hồi sức tích cực” – BS Phúc chia sẻ.
Tính từ 18h ngày 15/9 đến 6h ngày 16/9, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19. Như vậy đến nay số ca bệnh tại nước ta vẫn là 1.063, 35 người tử vong.
Theo Chính phủ, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và có thể xuất hiện các ca nhiễm mới ngoài cộng đồng, nhất là khi Việt Nam mở cửa trở lại trong thời gian tới. Bộ Y tế nhận định có thể bùng phát thành đợt dịch mới nếu các địa phương lơ là, mất cảnh giác. Đặc biệt là virus SARS-CoV-2 lan nhanh vào mùa đông xuân.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bệnh ở nước ta vừa từ bên ngoài vào vừa từ bên trong.