Sẽ đóng cửa trường học nếu cúm A/H1N1 lây lan rộng
(Dân trí) - BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc TT Y tế dự phòng TPHCM, khuyến cáo: Các trường học nên chuẩn bị sẵn kế hoạch đóng cửa trường vì khả năng dịch cúm lây lan mạnh là hoàn toàn có thể.
Về nguyên tắc, 1 người bị nhiễm cúm H1N1 có thể lây cho 2 người. Do đó, nếu các trường để nhiễm 5-7 ca thì khả năng lây lan rất lớn. BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc TT Y tế dự phòng TPHCM, khuyến cáo các trường học nên chuẩn bị sẵn kế hoạch đóng cửa trường nếu dịch cúm xảy ra. Ông cho biết nếu dịch bệnh lây lan rộng, tỷ lệ tử vong cao thì khả năng các trường phải đóng cửa hoạt động từ 3-6 tháng là hoàn toàn có thể. Trường tư thục Ngô Thời Nhiệm hiện nay có thể sẽ phải đóng cửa đến 1 tháng. Khi đó, để tránh ảnh hưởng đến việc học hành, thi cử cũng như giảng dạy của giáo viên, nhà trường cần lập sẵn phương án.
Trường học cũng nên chuẩn bị xà phòng, vòi nước, dung dịch sát khuẩn nhanh để rửa tay, khẩu trang giấy, khăn giấy, hóa chất khử trùng môi trường và phương tiện bảo hộ khi khử trùng môi trường. Phải chấp hành tốt việc học sinh bị bệnh hoặt sốt thì không được đến trường. Nên có phòng cách ly tại trường, phòng y tế là chưa đủ.
Cùng ngày, Sở GD-ĐT TPHCM đã họp khẩn cấp các trường phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, phòng giáo dục quận huyện để chuẩn bị công tác phòng chống dịch cúm A, H1N1. Ngành y tế TPHCM cũng phổ biến các kiến thức cơ bản về phòng tránh dịch cúm cho cán bộ nhân viên ngành giáo dục thành phố…
Ngày 21/7/2009, Việt Nam đã ghi nhận thêm 35 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, trong đó miền Nam: 34 ca, miền Trung: 01 ca, nâng tổng số ca nhiễm cúm A/H1N1 trong cả nước lên 443 trường hợp. Trong đó, chùm ca bệnh ở trường Trung học Tư thục Ngô Thời Nhiệm đã ghi nhận 61 trường hợp dương tính (tăng thêm 18 trường hợp) và có 53 học sinh đang được giám sát, theo dõi. Sở Y tế TPHCM đã huy động 24 bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế của trường để chia ca trực 24/24. Còn chùm ca bệnh ở xã Xuân Hiệp, Xuân Lộc, Đồng Nai là 23 ca dương tính.
Các trường hợp bị bệnh hiện đang được điều trị cách ly tại các bệnh viện và cơ sở điều trị trong tình trạng sức khỏe ổn định. Các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh được theo dõi, giám sát theo quy định.
Tăng cường phòng chống dịch cúm A/H1N1 Ngày 21/7, Bộ Y tế có công văn số 4749/BYT-DPMT gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc “Tăng cường phòng chống dịch cúm A/H1N1”. Theo đó, tình hình dịch cúm A/H1N1 trên thế giới diễn biến rất phức tạp tại gần 140 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, đã ghi nhận một số trường hợp là học sinh và giáo viên của một trường trung học tại TPHCM bị lây chéo cúm A/H1N1. Hơn nữa, trong thời gian tới là thời điểm học sinh, sinh viên tựu trường và thời tiết sẽ chuyển sang mùa thu đông, vi rút dễ phát triển, lây lan do đó nguy cơ dịch bùng phát tại các trường học và cộng đồng là rất lớn. Bộ Y tế đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm A/H1N1 hướng dẫn giáo viên, học sinh, sinh viên các biện pháp phòng chống dịch, đóng cửa trường học khi cần thiết để hạn chế sự lây lan của dịch, huy động các học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động cứu hộ, tuyên truyền chống dịch khi có sự điều động. Bộ Y tế - Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người, cũng đề nghị đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố quan tâm chỉ đạo Giám đốc Sở Y tế và các Sở, Ban, Ngành liên quan tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Các Sở Y tế tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm A/H1N1 tại cộng đồng. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các biện pháp phòng chống lây nhiễm cúm A/H1N1, các biện pháp không để dịch lây lan. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư căn cứ kế hoạch phòng chống dịch cúm A/H1N1 của Sở Y tế, các ngành liên quan để bố trí kinh phí đảm bảo mua thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phục vụ chống dịch... Sở Công thương có kế hoạch tổ chức cán bộ, công nhân viên tại các nhà máy, xí nghiệp, đơn vị sản xuất trực luân phiên, bố trí cán bộ dự phòng đảm bảo duy trì các dịch vụ thiết yếu phục vụ các nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày như điện, nước, thực phẩm, xăng dầu... |
Hiếu Hiền - Hồng Hải - Ngọc Thanh