1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nghệ An:

Phát hiện thêm một trẻ 7 tuổi nhiễm vi khuẩn Whitmore "ăn thịt người"

(Dân trí) - Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao chưa rõ nguyên nhân, sưng đau vùng dưới mang tai. Tiến hành thăm khám và thực hiện các xét nghiệm chuyên môn, bác sĩ phát hiện bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (còn gọi là vi khuẩn “ăn thịt người”).

Phát hiện thêm một trẻ 7 tuổi nhiễm vi khuẩn Whitmore ăn thịt người - 1

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An thăm khám cho cháu bé.

Ngày 22/9, tin từ Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An (đóng tại xã Tây Hiếu, Thị xã Thái Hòa) cho biết; ngày 21/9, phía đơn vị tiếp nhận bệnh nhân nhi 7 tuổi, trú tại xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Đàn.

 Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao chưa rõ nguyên nhân, sưng đau vùng dưới mang tai. Tiến hành thăm khám và thực hiện các xét nghiệm chuyên môn, bác sĩ phát hiện bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (còn gọi là vi khuẩn “ăn thịt người”), gây ra căn bệnh có tên khoa học là Whitmore.

Do được phát hiện kịp thời, khi chưa xuất hiện hiện tượng hoại tử da, nên chỉ sau 3 ngày điều trị theo đúng phác đồ, tình trạng bệnh của cháu bé tiến triển tốt, sức khỏe đã dần hồi phục.

Theo các y bác sỹ bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An, thì đây là trường hợp thứ hai được phát hiện tại khu vực này.

Trước đó, từ đầu năm đến tháng 9.2019, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Nghệ An đã phát hiện, điều trị 4 bệnh nhân nhi nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (còn gọi là vi khuẩn “ăn thịt người”), trong đó có một trường hợp đã bình phục, cho xuất viện.

 BS Nguyễn Thị Huyền Ngân, khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết: “Whitmore là một bệnh lây nhiễm gây ra bởi vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei.  Bệnh không có triệu chứng rõ ràng và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác như: bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn da mô mềm, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu...khác”. 

“Việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây cũng là một trong là những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỉ lệ tử vong do Whitmore cao”, BS Ngân  giải thích thêm.

Nguyễn Tú