3 trẻ tưởng quai bị hoá nhiễm vi khuẩn chết người

(Dân trí) - Cả 3 cháu bé được đưa đến bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An với biểu hiện sốt, sưng đau tuyến mang tai nhầm tưởng là quai bị. Các bác sĩ tiến hành nuôi cấy, định danh bệnh nhi nhiễm loại vi khuẩn Whitmore chết người tồn tại nhiều trong bùn đất. Nhiễm loại vi khuẩn này, tỉ lệ tử vong lên đến 40% - 60%.

Theo thống kê tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, từ tháng 7/2019-9/2019 bệnh viện đã phát hiện và điều trị cho 3 trường hợp mắc bệnh Whitmore .

Trong đó, bệnh nhi Nghiêm Thanh Tuấn (14 tuổi, Đức Thọ - Hà Tĩnh) sau 50 ngày điều trị đã được xuất viện. Hai bệnh nhi còn lại là cháu  Hoàng Văn Cao (10 tuổi, xã Thanh ngọc, Thanh Chương, Nghệ An) và cháu Nguyễn Công Hào (11 tuổi, xã Công Thành, Yên Thành, Nghệ An) hiện đang được theo dõi và điều trị tại khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An.

Cả 3 trường hợp này được gia đình đưa đến viện trong tình trạng sưng đau viêm tuyến nước bọt mang tai. Vì nhầm tưởng là quai bị, trẻ đều được cho điều trị tại nhà, đến khi sốt cao, sưng to tuyến mang tai, hạ sốt không đáp ứng gia đình mới đưa tới bệnh viện. Kết quả cấy mủ, xét nghiệm máu phát hiện dương tính với căn bệnh Whitmore.

3 trẻ tưởng quai bị hoá nhiễm vi khuẩn chết người - 1

3 trường hợp mắc chứng bệnh Melioidosis (hay còn gọi là Whitmore) điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An.

BS Nguyễn Thị Huyền Ngân, khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết, do biểu hiện sưng đau tuyến mang tai nên nhiều  cha mẹ nghĩ con mắc bệnh quai bị mà không biết đó là bệnh nhiễm khuẩn Whitmore. Khi trỗi dậy trong cơ thể người và gây bệnh, loại vi khuẩn này dễ gây nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm màng não, apxe đa ổ và diễn tiến nhanh bởi tình trạng nhiễm trùng máu và sẽ vô cùng nguy kịch cho người bệnh nếu không được điều trị tình trạng nhiễm trùng này.

Tỷ lệ tử vong của bệnh Whitmore có thể lên đến 40% - 60%. Ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán bệnh Whitmore, việc điều trị cũng hết sức khó khăn. Bệnh nhân thường phải dùng kháng sinh tấn công liều cao tĩnh mạch kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2-4 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng.

BS Ngân cho biết thêm, Whitmore là một bệnh lây nhiễm gây ra bởi vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei.  Bệnh không có triệu chứng rõ ràng và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác như: bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn da mô mềm, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu...khác. 

Việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây cũng là một trong là những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỉ lệ tử vong do Whitmore cao.

Cần lưu ý, vi khuẩn Burkholderia pseudomallei có trong đất, bùn, hiện tại đang mùa mưa, là thời điểm thuận lợi để vi khuẩn gây bệnh phát triển.

Trong thực tế, số ca bệnh Whitmore thường tập trung vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 11. Do đó, những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da, xuất hiện biểu hiện sốt, nhiễm trùng... cần nghĩ đến nguy cơ bệnh Whitmore để làm các chẩn đoán xét nghiệm loại trừ, kịp thời phát hiện và điều trị sớm

Ở những vùng có bệnh Melioidosis lưu hành, những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch (như AIDS, ung thư, những bệnh nhân hóa trị ...) nên tránh tiếp xúc với đất và nước bị ô nhiễm, đặc biệt là ở các khu vực trang trại. 

Bệnh Whitmore thường gặp ở đâu?

- Whitmore gặp thường xuyên nhất ở Đông Nam Á và Bắc Úc. Bệnh cũng thấy ở Nam Thái Bình Dương, Châu Phi, Ấn Độ, và Trung Đông. Ở Việt Nam, hầu hết các bệnh nhân đến từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ.

- Các loại vi khuẩn gây bệnh được tìm thấy trong đất, trong các cánh đồng lúa gạo, và các vùng nước tù đọng trong khu vực.

Người nhiễm bệnh thường do tiếp xúc với đất bị ô nhiễm qua các vết trầy xước ngoài da. Nhiễm trùng thường xảy ra trong mùa mưa.

Triệu chứng của bệnh  Whitmore

- Triệu chứng phổ biến nhất của Whitmore xuất phát từ nhiễm trùng ở phổi, nơi có thể hình thành một khoang chứa mủ (abscess phổi).

- Tình trạng bệnh có thể diễn biến từ nhẹ đến viêm phế quản hoặc viêm phổi nặng. Bệnh nhân sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, đau ngực, và đau nhức các cơ bắp. Bệnh còn có thể biểu hiện khu trú bằng các ổ nhiễm trùng trên da (viêm mô tế bào) kèm với sốt và đau cơ.

- Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua da hoặc được hít vào qua đường hô hấp gây viêm nhiễm ở thần kinh trung ương, tuyến mang tai, xương khớp, gây abscess ở gan và lách, viêm nhiễm đường sinh dục, nhiễm trùng da, cơ vân.

- Bệnh có thể lan toả từ da vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, hoặc diễn tiến thành mạn tính gây thương tổn đến tim, động mạch chủ bụng, não, gan, thận, khớp, và mắt.

Chẩn đoán Whitmore?

Việc chẩn đoán Whitmore được thực hiện dựa trên các xét nghiệm vi sinh học trong máu, mủ, nước tiểu, đờm, hoặc tại phần da bị tổn thương.

- Xét nghiệm máu rất hữu ích để phát hiện sớm các trường hợp cấp tính của melioidosis, nhưng khi kết quả âm tính thì vẫn chưa thể hoàn toàn loại trừ.

Điều trị bệnh Whitmore?

Hiện nay, bệnh Whitmore không có vaccine và không có phương pháp phòng bệnh đặc hiệu, trong khi bệnh lại dễ bị lây nhiễm khi tiếp xúc với các vi khuẩn mang bệnh qua da trầy xước.

- Việc điều trị bao gồm dùng kháng sinh, phẫu thuật tuỳ thuộc vào vị trí và mức độ của bệnh.- Đối với những bệnh nhân nặng hơn, cần điều trị kết hợp hai trong số các loại kháng sinh  trong thời gian kéo dài đến 12 tháng.

Nguyễn Phê - Hiền Trần