Phát hiện gần 300 tấn sữa Trung Quốc cận "đát"

(Dân trí) - Ngày 24/9, Đoàn thanh tra liên ngành về sữa do Bộ Y tế chủ trì đã tiến hành kiểm tra đột xuất công ty CP sữa Hà Nội (Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) và tìm thấy gần 300 tấn sữa Trung Quốc gần hết hạn được cất kín ở cuối kho.

Sản xuất sữa nhưng nhập sữa để bán?!

Được biết, công ty này đã nhập 375 tấn sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc qua cảng Hải Phòng.

Ông Trần Đăng Tuấn, Tổng Giám đốc công ty CP sữa Hà Nội xác nhận: “Đúng là đầu năm nay, công ty đã nhập 375 tấn sữa từ Trung Quốc (có đầy đủ hóa đơn xuất hàng), nhưng chưa đưa số nguyên liệu sữa trên vào sản xuất mà vẫn dùng nguồn sữa trong nước. Số sữa trên được nhập với mục đích thương mại, nghĩa là để bán cho các cơ sở có nhu cầu. Hiện tại, công ty đã bán cho công ty CP hóa chất Á Châu đóng ở Hà Nội 25 tấn và công ty CP Hóa chất Á Châu đóng ở TPHCM 70 tấn”.

Kiểm tra tại kho nguyên liệu của công ty này, đoàn kiểm tra đã phát hiện ngoài một số chồng nguyên liệu sữa có nguồn gốc từ Úc, Mỹ, New Zealand xếp phía bên ngoài, trong kho còn có lô sữa Full cream milk powder được xếp trong góc cùng của kho.

Việt Nam đã đủ khả năng xét nghiệm melamine

 

“Việt Nam đủ khả năng xét nghiệm chất melamine trong sữa cũng như trong các thực phẩm khác”, TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục VSATTP khẳng định.

 

Ông Khẩn cho biết thêm, hiện các mẫu sữa đã được gửi đến nhiều nơi khác nhau làm xét nghiệm cho khách quan, sau đó sẽ được công bố rộng rãi để người dân yên tâm. Đặc biệt, trong thời gian tới, bên cạnh việc lấy mẫu sữa làm xét nghiệm, Cục ATVSTP sẽ mở rộng sang các sản phẩm, thực phẩm khác từ sữa như bơ, bánh ngọt, cà phê sữa… (Hồng Hải)

Trừ đi số hàng đã xuất, tổng số sản phẩm sữa có nguồn gốc Trung Quốc còn tồn trong kho là 280 tấn.

Phía công ty CP sữa Hà Nội đã xuất trình đầy đủ các giấy tờ, hóa đơn chứng nhận như phiếu nhập khẩu, hóa đơn bán hàng... Điều đáng nói là ở bao bì của lô sữa này, ngoài nhãn mác chính ghi bằng chữ Trung Quốc, có thêm một nhãn phụ ghi toàn tiếng Anh, không có nhãn tiếng Việt. Nhãn phụ này in ngày sản xuất là tháng 10/2007 và hạn sử dụng đến tháng 9/2008. Như vậy, chỉ còn vài ngày nữa, gần 100 tấn sữa sẽ không còn đủ điều kiện sử dụng. Số còn lại, đến năm 2009 mới hết hạn.

Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu lô sữa Trung Quốc này để xét nghiệm, kết quả sẽ được công bố trong vài ngày tới.

Người tiêu dùng e dè với sữa

Những thông tin về sự nhập nhằng trong quá trình nhập khẩu sữa tại Việt Nam khiến tâm lý người tiêu dùng ít nhiều hoang mang.

Chị Thanh Mai - Tập thể Bách Khoa - Hà Nội cho biết, từ mấy ngày nay đã tạm cắt lịch uống sữa của cả nhà để “nghe ngóng” - “Chỉ khổ cho thằng con 3 tuổi “nghiện” sữa, từ hôm bị tạm dừng cứ buồn thỉu buồn thiu!”.

Chị Trần Ngọc Bích, Giáo viên lớp nhỡ trường Mầm non Hoa Sữa (Hà Nội) cho biết: Trường vẫn dùng sản phẩm sữa bột của Việt Nam để pha cho các cháu uống thêm. Mặc dù sữa là loại có thương hiệu khá nổi tiếng (do được quảng cáo nhiều), nhưng trước những thông tin dồn dập về sự mập mờ của các loại sữa nhập khẩu từ Trung Quốc ai cũng thấy lo lo.

“Trường này hiện sử dụng ba loại sữa bột khác nhau và đang định dùng thêm sản phẩm sữa tươi của Ba Vì, nhưng với tình hình này, có lẽ sẽ không dùng nữa”- Chị Lương Kim Oanh, kế toán trường Mầm non Khương Đình, Hà Nội cũng cho hay.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã có tình trạng ế sữa ở các trang trại chăn nuôi. Còn tại TPHCM, một số nhà trẻ dừng không cho trẻ uống sữa. Đây là hiệu ứng không mong muốn.
 
Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại các nước thu thập đầy đủ thông tin về sản phẩm sữa ở nước sở tại, nhằm kịp thời cảnh báo cho người tiêu dùng trong nước nếu có những sản phẩm không an toàn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến cáo người dân không nên tẩy chay các sản phẩm sữa đạt tiêu chuẩn chỉ vì quá lo lắng.
 
P. Thanh
Dòng sự kiện: Sữa nhiễm hoá chất