1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nước càng bẩn, rau muống cành xanh non

Nếu như trồng rau muống ở trên ruộng phải chăm sóc, bón phân... để rau sinh trưởng tốt thì dường như trồng thả rau muống trên các dòng sông, hồ ô nhiễm lại không tốn công sức cũng như phân bón. Nước càng đen sánh và bốc mùi thì rau muống lại càng xanh tốt lạ thường.

Hơn 9h sáng, số người dân chèo thuyền ra hồ Hào Nam (Ô Chợ Dừa, Đống Đa) để hái rau muống đem đi tiêu thụ vẫn đông. Chúng tôi không khỏi giật mình bởi những bè rau muống tươi tốt, xanh non mà người dân đang bó thành từng bó ở đây lại “sinh sôi” trên mặt nước đen ngòm, đặc sệt.

 

Một phụ nữ sống gần khu vực hồ Hào Nam cho biết, hồ này do HTX Nông nghiệp Hào Nam quản lý đã chia cho mấy chục hộ gia đình để trồng rau muống. Với diện tích tương đối rộng, mỗi ngày lượng rau muống được thu hái từ đây để cung ứng cho thị trường là không ít.

 

Không riêng hồ Hào Nam, mà hiện nay, người dân tận dụng tất cả diện tích mặt nước có thể để trồng rau muống. Những khu vực hồ ao xen kẽ, chưa giải phóng hết trên đường Lạc Long Quân, đường Xuân Diệu... đều được dùng để trồng rau muống. Một số hộ dân sống xung quanh những khu vực này cho biết, nước ở những hồ ao xen kẹt gần như 100% là nước thải sinh hoạt, xung quanh 2 bên bờ là nơi tập kết rác thải, còn lại mặt nước là nơi trồng rau, cung cấp rau ra thị trường hàng ngày cho người tiêu dùng.

 

Dọc chiều dài tuyến sông Nhuệ, người dân sống 2 bên bờ sông đã tận dụng triệt để mặt nước ô nhiễm để trồng rau muống. Tại sông Nhuệ đoạn đi qua địa phận 2 xã Tả Thanh Oai và Hữu Hòa (huyện Thanh Trì), người dân địa phương trồng rau muống dọc 2 bên bờ sông.

 

Hai bên sông, nhiều cống nước thải vẫn liên tục xả những dòng nước đen kịt, bốc mùi tanh. Ngay phía dưới là hàng loạt bè rau muống thi nhau mọc lên. Mỗi bè có một chiếc xuồng nhỏ phục vụ việc thu hoạch. Và, những bè rau tươi tốt trên những dòng nước thải này sẽ được mang ra các chợ, mang vào nội thành để tiêu thụ.

 

Đoạn sông Nhuệ khu vực huyện Thanh Trì được “tiếp sức” bởi một nhánh sông nước đen kịt và bốc mùi nồng nặc là sông Tô  Lịch. Hầu hết những ai qua khu vực này đều phải nhăn mặt, bịt mũi vì mùi hôi thối. Bất chấp việc ô nhiễm trầm trọng đó, tại đây đã xuất hiện hàng trăm mét vuông rau muống được trồng trên mặt nước sát hai bên bờ. Dường như người dân vẫn thờ ơ với nguy cơ phát sinh dịch bệnh từ những bè rau muống trồng ở dòng sông này.

 

Trong khi đó, nhiều nghiên cứu về môi trường đã cho thấy, rau muống trồng trên những dòng sông, hồ ô nhiễm có khả năng làm sạch nước, hút độc tố và kim loại nặng. Như vậy, liệu những độc tố và kim loại nặng này còn tồn tại trong cây rau và gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng?

 

Theo Hạ Quỳnh

An ninh thủ đô