Những người tuyệt đối không được ăn gừng
(Dân trí) - Tục ngữ có câu "mùa đông ăn củ cải, mùa hè ăn gừng thì không cần bác sĩ kê đơn thuốc", "trong nhà có củ gừng thì không sợ các bệnh thông thường". Điều đó cho thấy gừng có nhiều công dụng với sức khỏe.
Tuy nhiên, Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) Mỹ đã thực hiện một thí nghiệm trên chuột và phát hiện những con chuột sử dụng 0,04-1% safrol/ngày trong vòng 2 năm bị chẩn đoán mắc ung thư gan.
Gừng cũng có chứa safrol, nhưng là khi gừng tươi bị dập hoặc bị thối. Khi đó, loại thực phẩm này sẽ sản sinh ra safrol, loại độc tố mạnh có thể gây hoại tử các tế bào gan, lâu dần sẽ biến thành ung thư gan và ung thư thực quản. Vì vậy, nếu phát hiện gừng đã bị thối nát thì bạn nên vứt bỏ chúng đi.
Không chỉ vậy, khi gừng bị mọc mầm sẽ sinh ra lưu huỳnh, một chất gây tổn thương gan nặng nề.
Những ai không nên ăn gừng
Dưới đây là một số trường hợp tuyệt đối không được sử dụng gừng theo bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM):
- Bị âm hư
Tình trạng âm hư là hội chứng thể chất khô nóng, biểu hiện là tay chân phát nhiệt, lòng bàn tay ra nhiều mồ hôi, thường xuyên khát nước, bình thường miệng khô, mắt khô, mũi khô, da khô, trong lòng phiền muộn, thường xuyên bực dọc, ngủ kém.
Gừng có vị cay, tính nóng, người bị âm hư ăn gừng sẽ khiến bệnh tình nặng thêm.
- Nóng trong
Nếu như phổi nóng sẽ gây ra ho khan, dạ dày nóng sẽ sinh ra nôn mửa, miệng hôi, trĩ… Cùng với những người bị các vết thương lở loét, những người mắc các bệnh nóng trong như trên đều không thích hợp ăn gừng. Nếu muốn ăn gừng, nhất định phải phối hợp với dược liệu có tính lạnh để trung hòa với tính nóng của gừng.
- Viêm gan
Ăn gừng có thể khiến gan bị nóng. Muốn kiềm chế tính nóng của loại thức ăn này, nên dùng tới một số thực phẩm có tác dụng làm dịu gan, dùng thuốc lưu thông khí huyết, ví dụ như sơn tra, hoa cúc dùng để pha trà.
Thức uống như vậy có thể tiêu trừ tính nóng của gừng, cũng không gây hại cho cơ thể.
Người xưa có câu "buổi sáng ăn gừng giá trị như uống nhân sâm, buổi tối ăn gừng chẳng khác nào uống thạch tín".
Vì thế, buổi sáng ăn gừng có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên không nên ăn gừng vào buổi tối, bởi gừng có vị cay nóng, có chứa dầu dễ bay hơi, nhựa dầu và tinh bột dễ khiến con người nổi giận và làm cho cơ thể mệt mỏi.
Ăn gừng tươi có tác dụng gì?
- Giảm đau nhức xương khớp
Theo Thạc sĩ - Bác sĩ Phan Ngọc Hải, Bác sĩ Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng, trong thành phần của gừng có chất hoạt tính sinh học có khả năng ngăn chặn sự hình thành của leukotrienes gây ra đau nhức.
Gừng cũng chứa gingerol giúp chống viêm, ức chế các chất chemokine, cytokine và các yếu tố gây viêm khác.
Vì thế, gừng giúp giảm đau, cải thiện khả năng vận động do viêm khớp gây ra.
- Làm dịu đau cơ bắp
Gừng sẽ không làm giảm đau cơ ngay tại chỗ, nhưng nó có thể làm dịu cơn đau theo thời gian.
- Cải thiện hệ tiêu hóa, giảm chứng ợ nóng và trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Thường xuyên ăn gừng giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, đặc biệt là lượng đường máu sau bữa ăn, từ đó giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa, tăng hoạt động cơ của đường tiêu hóa và giữ cho hệ thống tiêu hóa luôn ở trong trạng thái tốt nhất, từ đó giúp giảm cảm giác bị chướng bụng, đầy hơi.
Trong gừng cũng chứa một số hợp chất quan trọng giúp cải thiện sự hấp thu khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác.
- Ngăn ngừa bệnh ung thư
Một số nghiên cứu đã chỉ ra một số hợp chất có trong gừng có thể làm giảm hoạt động của tế bào gây thay đổi DNA, hình thành khối u, làm tăng độ nhạy của khối u với các phương pháp điều trị như hóa trị và xạ trị.
- Bảo vệ chống lại bệnh tật
Gừng chứa nhiều chất chống oxy hóa, các hợp chất ngăn ngừa căng thẳng và tổn thương DNA của cơ thể. Chúng có thể giúp cơ thể chống lại các bệnh mãn tính như huyết áp cao, bệnh tim và các bệnh về phổi.
- Giảm đau do co thắt khi tới kỳ kinh nguyệt
Chứng co thắt kinh nguyệt xảy ra do tăng nồng độ hormone prostaglandin trong cơ thể. Đây là nguyên nhân chính gây ra các triệu chứng đau, co thắt và sốt khi tới kỳ kinh nguyệt của nữ giới. Gừng có tác dụng hạ thấp mức prostaglandin từ đó giúp làm giảm đau và giảm co thắt do kinh nguyệt.
Vì vậy, uống nước gừng ấm có thể là phương pháp hữu hiệu giúp giảm đau nhanh chóng.
- Bảo vệ răng miệng
Sức mạnh kháng khuẩn của gừng giúp bảo vệ răng miệng luôn khỏe mạnh. Các hợp chất hoạt tính trong gừng được gọi là gingerols ngăn vi khuẩn miệng phát triển. Những vi khuẩn này chính là những vi khuẩn có thể gây ra bệnh nha chu, nhiễm trùng nướu răng nghiêm trọng.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer
Gừng làm chậm tình trạng chết của tế bào não, cung cấp các chất chống oxy hóa để ngăn ngừa tổn thương oxy hóa các tế bào, giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Gừng cũng có tác dụng giúp chống lại chứng suy giảm nhận thức thường xảy ra với người cao tuổi.
- Cải thiện độ nhạy insulin
Nghiên cứu đã chứng minh bổ sung gừng đã giúp cải thiện tình trạng kháng insulin và tỷ lệ trao đổi chất. Đối với những bệnh nhân mắc tiểu đường loại 2, có thể giúp giảm lượng đường trong máu lúc đói.