Tình trạng tảo hôn ở các huyện miền núi Quảng Ngãi giảm mạnh
(Dân trí) - Nếu như năm 2016, tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi có đến 462 trường hợp tảo hôn thì đến hết năm 2018 con số này giảm xuống còn 150 trường hợp. Nhiều trường hợp chỉ mới học hết lớp 8 đã dự định kết hôn đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn ở khu vực miền núi, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo triển khai thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016 - 2020”. Đề án được triển khai đồng bộ đã góp phần hạn chế số trường hợp tảo hôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Huyện miền núi Ba Tơ từng là điểm nóng về tình trạng tảo hôn. Do đó, khi Đề án của UBND tỉnh Quảng Ngãi được triển khai, chính quyền huyện Ba Tơ đã tổ chức thực hiện với nhiều cách làm mới. Huyện Ba Tơ đặc biệt quan tâm đến công tác theo dõi, quản lý số trẻ em trong độ tuổi vị thành niên để kịp thời phát hiện, can thiệp đối với những trường hợp có ý định kết hôn khi chưa đủ tuổi.
Cán bộ xã sẽ liên lạc thường xuyên với các già làng để kịp thời nắm bắt được những gia đình có ý định cho con em kết hôn khi chưa đủ tuổi. Từ đó, cán bộ chuyên trách tiếp cận, tuyên truyền, động viên gia đình tạm dừng tổ chức hôn lễ.
Cách đây không lâu, bà Phạm Thị Míp (xã Ba Tô, huyện Ba Tơ) chuẩn bị cho con gái lấy chồng. Con của bà Míp vẫn chưa học hết lớp 9. Biết được thông tin này, cán bộ Tư pháp xã Ba Tô cùng cán bộ phụ nữ và già làng đến nhà bà Míp để tuyên truyền về mặt trái của tảo hôn. Tuy nhiên, muốn thay đổi được ý định của gia đình bà Míp là không hề đơn giản. Phải mất một thời gian dài thực hiện phương châm "mưa dầm thấm lâu", gia đình bà Míp mới đồng ý dừng đám cưới của con gái.
“Con mình nghỉ học ở nhà cũng chỉ làm nương rẫy nên phải cho lấy chồng sớm để sinh con cái. Nhưng thôi, cán bộ xã nói lấy chồng sớm không tốt nên dừng lại, để nó lớn hơn thì mới cho lấy chồng", bà Míp nói.
Ngoài việc tuyên truyền cho phụ huynh, hoạt động tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, tác hại của tảo hôn... cũng được đưa vào nhà trường. Các hoạt động sân khấu hóa liên quan đến tảo hôn được tổ chức thường xuyên để chính bản thân các em học sinh có thể hiểu được tác hại của tảo hôn. Nhờ đó, nếu như năm 2016 toàn huyện Ba Tơ có 161 trường hợp tảo hôn thì đến cuối năm 2018 chỉ còn 71 trường hợp.
Đối với huyện miền núi Sơn Hà, vào năm 2016 toàn huyện có 92 trường hợp tảo hôn thì đến cuối năm 2018 chỉ còn 24 trường hợp. Đây là kết quả khá khả quan để huyện Sơn Hà tiến đến chấm dứt tình trạng tảo hôn trong một vài năm tới.
Theo ông Dương Viết Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, những người góp phần quan trọng trong việc giảm tình trạng tảo hôn chính là cán bộ tư pháp, hội phụ nữ, già làng và đội ngũ giáo viên trên địa bàn huyện. Đây là những người hàng ngày bám sát cơ sở để kịp thời phát hiện và ngăn chặn tảo hôn hiệu quả nhất.
"Ngoài công tác tuyên truyền, huyện Sơn Hà cũng tổ chức tuyên dương những gương tiêu biểu, những thôn, bản đã chấm dứt tình trạng tảo hôn để những nơi chưa thực hiện tốt công tác này phấn đấu làm theo. Với cách làm đồng bộ nên tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Sơn Hà đã giảm mạnh", ông Thanh nói.
Không chỉ huyện Ba Tơ và Sơn Hà mà nhiều huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng đã giảm được số trường hợp tảo hôn. Nếu như năm 2016, tại 6 huyện miền núi là Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà và Trà Bồng, cùng với một số xã miền núi của huyện Bình Sơn, Nghĩa Hành có đến 462 cặp tảo hôn, thì đến cuối 2018 chỉ còn 150 cặp. Đây là kết quả đáng ghi nhận của tỉnh Quảng Ngãi trong việc thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn giai đoạn 2016 - 2020.
Quốc Triều