Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số: Nút thắt hôn nhân cận huyết
(Dân trí) - Mục tiêu hướng tới bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều thách thức. Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống của nữ dân tộc thiểu số luôn cao hơn nam ở hầu hết các vùng kinh tế xã hội.
Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã chỉ ra một số vấn đề giới ở vùng dân tộc thiểu số đang nghiêm trọng hơn so với vấn đề giới nói chung ở Việt Nam.
Tình trạng bất bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra ở một số lĩnh vực như kinh tế - lao động, giáo dục và đào tạo, y tế… Nói đến bình đẳng giới, về cơ bản là nói đến sự bình đẳng về vị thế, cơ hội và các quyền của phụ nữ với nam giới.
Trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em gái thường là những đối tượng thiệt thòi hơn về khả năng tiếp cận các cơ hội, các nguồn lực, do các chuẩn mực xã hội đã áp đặt vị trí thấp kém hơn cho họ, giới hạn họ ở các hoạt động sinh con và sản xuất hộ gia đình.
Sự đan xen của nhiều hình thức phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính và dân tộc có ảnh hưởng phổ biến nhất.
Trong đó, tỷ lệ hôn nhân cận huyết ở nhóm dân tộc thiểu số khá cao. Ngoài ra, việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi chưa thành niên ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh.
Tỷ lệ hôn nhân cận huyết của nữ dân tộc thiểu số luôn cao hơn nam ở tất cả các vùng, ngoại trừ đồng bằng sông Hồng.
Bộ Y tế mới đây ban hành quyết định về việc ban hành hướng dẫn chuyên môn về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đó, mục tiêu nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ dự án góp phần thực hiện mục tiêu giảm bình quân 2-3%/năm số cặp tảo hôn và 3-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao.
Địa bàn là tại 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong đó, công tác truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi là một nội dung quan trọng. Theo đó, địa phương cần tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, giao lưu, tọa đàm đối thoại chính sách về giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... lồng ghép nội dung này vào các cuộc giao ban thường kỳ…
Đồng thời tuyên truyền về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới...
Cụ thể, tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng, tổ chức tuyên truyền tư vấn trực tiếp cho nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn, vị thành niên, thanh niên, tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn.
Hoạt động này cũng góp phần triển khai hiệu quả Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 với mục tiêu thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Thực trạng hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chất lượng dân số…, làm tăng tỷ lệ tử vong mẹ, tăng tỷ vong trong năm đầu đời của trẻ… Một số các hệ lụy khác như thất học, mù chữ, nghèo đói, lạm dụng và bạo lực, sức khỏe tâm thần, bị cô lập và bỏ rơi...