Những dấu hiệu đầu tiên cảnh báo trẻ suy dinh dưỡng bố mẹ thường bỏ sót

Minh Nhật

(Dân trí) - Những dấu hiệu về suy dinh dưỡng của trẻ có thể xuất hiện rất sớm sau sinh. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ không biết hoặc chủ quan dẫn đến việc bỏ lỡ giai đoạn vàng để điều trị cho trẻ.

Dấu hiệu cảnh báo trẻ suy dinh dưỡng sau sinh

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, những dấu hiệu về suy dinh dưỡng của trẻ có thể xuất hiện rất sớm sau sinh. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ không biết hoặc chủ quan dẫn đến việc bỏ lỡ giai đoạn vàng để điều trị cho trẻ.

Thông tin được BS Ninh chia sẻ tại Hội thảo tiền sản vừa diễn ra tại Hà Nội.

Những dấu hiệu đầu tiên cảnh báo trẻ suy dinh dưỡng bố mẹ thường bỏ sót - 1

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam (Ảnh: Ban tổ chức).

Cụ thể theo chuyên gia này, trong tháng đầu đời, trẻ gặp tình trạng suy dinh dưỡng có thể phản ánh qua các triệu chứng như:

- Trằn trọc, khó ngủ và hay khóc đêm.

- Đầu bị méo, tóc rụng hình vành khăn.

- Ra mồ hôi trộm.

"Các dấu hiệu này đã có thể xuất hiện trong 1-2 tuần đầu tiên sau sinh. Do đó, bố mẹ cần đặc biệt chú ý để có thể phát hiện kịp thời", BS Ninh cho hay.

Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần theo dõi liên tục sự phát triển chiều cao cân nặng của trẻ và so sánh với bảng phát triển chiều cao cân nặng tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới công bố.

"Trong trường hợp phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường của trẻ như đề cập ở trên hoặc trẻ phát triển chiều cao, cân nặng bất thường so với tiêu chuẩn, bố mẹ cần kịp thời đưa trẻ đến thăm khám dinh dưỡng tại cơ sở y tế uy tín", BS Ninh phân tích.

BS Ninh cũng cảnh báo thực trạng nhiều bố mẹ khi phát hiện trẻ có dấu hiệu phát triển bất thường nhưng thường tự loay hoay tìm cách khắc phục, tự sử dụng các loại thuốc được quảng cáo tràn lan trên mạng, dẫn đến việc bỏ lỡ thời gian vàng để điều trị dinh dưỡng cho trẻ.

Những dấu hiệu đầu tiên cảnh báo trẻ suy dinh dưỡng bố mẹ thường bỏ sót - 2

Tình trạng đầu méo sau sinh có thể phản ánh suy dinh dưỡng (Ảnh: Getty).

"Ví dụ trẻ bị méo đầu do suy dinh dưỡng trong 5-6 tháng đầu được phát hiện và được bác sĩ điều trị kịp thời bằng cách bổ sung tốt vitamin và chất khoáng, sau đó đầu của trẻ có thể tròn, đẹp trở lại.

Tuy nhiên, nếu bố mẹ bỏ lỡ khoảng thời gian này để trẻ hơn một tuổi, đầu trẻ đã cứng sẽ rất khó để can thiệp, dẫn đến trẻ gặp tình trạng đầu méo, trán dô", BS Ninh phân tích.

Sai lầm hay gặp khiến trẻ ăn nhiều vẫn thiếu chất

Chuyên gia này cũng lưu ý rằng, có nhiều sai lầm trong việc lựa chọn thực phẩm, chế biến và cho ăn của các vị phụ huynh dẫn đến trẻ gặp vấn đề về dinh dưỡng.

Trước hết, khi cho trẻ bú bình, cần dốc bình sữa nghiêng 45 độ để sữa ngập cổ bình. Việc này giúp hơi không vào được. Ngoài ra, trong quá trình cho trẻ bú cần để trẻ tập trung, bú ngập sâu vào núm vú.

Những dấu hiệu đầu tiên cảnh báo trẻ suy dinh dưỡng bố mẹ thường bỏ sót - 3

Chuyên gia tiền sản Phạm Phú Tiêu Tương, Phó chủ tịch Hội Nữ hộ sinh thành phố Hà Nội (Ảnh: Ban tổ chức).

"Trong trường hợp bình sữa để ngang, không nghiêng đủ độ, trẻ bú phải hơi sẽ gây nôn trớ. Bên cạnh đó, trong quá trình cho trẻ bú nếu để trẻ phân tâm, ngoảnh đi ngoảnh lại cũng có thể khiến hơi lọt vào", BS Ninh phân tích.

 Ngoài ra, khi trẻ ăn dặm, nhiều gia đình có thói quen dùng nồi hầm để hầm cháo cho trẻ trong thời gian lên đến 3-4 tiếng và nghĩ rằng như vậy chất mới ra trong cháo nhiều.

Tuy nhiên, theo BS Ninh đây là quan niệm sai lầm. Việc hầm cháo trong nhiều tiếng khiến vitamin trong rau và axit amin trong thịt sẽ bị hỏng. Do đó, nhiều trường hợp trẻ ăn cháo hầm lâu dù rất nhiều rau, thịt nhưng vẫn bị thiếu chất.

Về vấn đề dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh, chuyên gia tiền sản Phạm Phú Tiêu Tương, Phó chủ tịch Hội Nữ hộ sinh thành phố Hà Nội nhấn mạnh rằng, mẹ bầu cần cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn vào 6 tháng đầu và kéo dài đến 24 tháng tuổi.

"Trong 6 tháng đầu, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, có thành phần cân đối giúp trẻ phát triển tốt, không bị béo phì, tiểu đường và giúp phát triển kỹ năng nói cho các em. Trong 6 tháng đầu nếu mẹ đủ sữa thì không cho trẻ ăn bất cứ thực phẩm gì kể cả nước lọc", bà Tương chia sẻ.

Chuyên gia này liệt kê một số lợi ích đặc biệt của sữa mẹ mà sữa công thức không thể có như cung cấp hormone tăng trưởng, giúp bé phát triển chiều cao.

Bên cạnh đó, trong sữa mẹ có kháng thể, giúp trẻ phòng chống được bệnh tật, đặc biệt là bệnh đường hô hấp trên, dị ứng, hen suyễn. Ngoài ra, trong những giọt sữa non của mẹ còn có các chất giúp chống lại tình trạng vàng da.

Bà Tương cũng lưu ý, để nuôi con bằng sữa mẹ thành công, mẹ cần da kề da cho trẻ bú sớm. Mẹ bị ốm, sốt, tiêu chảy vẫn có thể cho trẻ bú.

Trong trường hợp dùng thuốc cần tham vấn ý kiến bác sĩ. Trong trường hợp bác sĩ chỉ định trong quá trình dùng thuốc không cho trẻ bú mới phải cai sữa cho trẻ.