Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm lớn do suất ăn giá quá rẻ
(Dân trí) - Theo Cục An toàn thực phẩm, hiện nay phần lớn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN/KCX), các suất ăn dành cho công nhân có giá rất rẻ từ 10.000-12.000 đồng/ suất ăn cùng với đó là nguồn thực phẩm không đảm bảo đã làm hàng trăm, hàng nghìn người phải nhập viện trong nhiều trường hợp.
Tại Hội thảo đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp diễn ra ngày 14/7 tại Thái Nguyên, TS Nguyễn Hùng Long (Cục An toàn thực phẩm) cho biết tại Việt Nam, trong giai đoạn 2010 - 2014, toàn quốc đã ghi nhận 859 vụ NĐTP với 27.522 người mắc, 21.951 người đi viện và 184 người chết. Trung bình có 171 vụ/năm với 5.504 người mắc/năm và 36 người chết do NĐTP/năm. Riêng bếp ăn tập thể tại các KCN/KCX, đã xảy ra 84 vụ ngộ độc thực phẩm làm 6.059 người phải nhập viện cấp cứu.
Về yếu tố nguy cơ, có 48,2% vụ NĐTP do bảo quản không tốt cá biển, 44,4% vụ NĐTP do thức ăn chế biến từ thịt bảo quản ở nhiệt độ thường trong thời gian dài (hơn 4 giờ), thức ăn không được hâm nóng trước khi ăn, 7,4% vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng không đúng phụ gia để chế biến thực phẩm. Hầu hết thức ăn nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm có nguồn gốc từ ngoài tỉnh (85,2%) và từ các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, dù số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể của KCN/KCX những năm gần đây có chiều hướng giảm nhẹ song số người mắc lại tăng, diễn biến rất phức tạp khi ghi nhận rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm lớn làm hàng trăm người mắc. Trung bình mỗi năm cả nước có trên 1.000 người phải nhập viện vì ngộ độc tại các bếp ăn này.
Nói về nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y Tế cho biết: Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm là do sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo, chi cục, ủy ban và của các công ty chưa đúng mức; xuất ăn tại nhiều công ty có giá trị rất thấp (10.000 – 12.000 đồng) chưa kể lợi nhuận của nhà cung cấp nên giá trị thật của bữa ăn rất thấp so với giá cả thị trường hiện nay để mua nguyên liệu tốt.
Bên cạnh đó các cơ sở cung cấp suất ăn ngày càng nhiều, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở rất thủ công, khó kiểm soát yêu cầu về ATTP. Qua kiểm tra, sai phạm tại các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn cho các KCN rất phổ biến với khoảng 19,1% không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, thậm chí mới đây phát hiện một công ty có 18 bếp ăn tập thể thì 8 bếp ăn không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Ngoài ra, qua kiểm tra cũng phát hiện 16,7% cơ sở không đạt về điều kiện vệ sinh khu chế biến, nhà ăn, 16,16% cơ sở vi phạm về lưu mẫu, 9,25% cơ sở sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc…
Ông Long nhấn mạnh các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả an toàn thực phẩm. Theo đó cần phải vận động để chủ doanh nghiệp thấy rằng sức khỏe của người lao động là tài sản của chủ doanh nghiệp; phải kiến quyết không để các bếp ăn tập thể không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm mà vẫn hoạt động. Hơn thế, trách nhiệm của cơ quan liên ngành cần phải tổ chức thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ban Quản lý các KCN/KCX, các nhà máy trong các KCN/KCX phải ký cam kết tự chịu trách nhiệm đảm bảo ATTP cho đơn vị. Cơ quan chức năng phải tăng cường thanh kiểm tra bếp ăn tập thể tại KCN/KCX nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, kiên quyết không để cơ sở bếp ăn tập thể không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP hoạt động, không để các cơ sở vi phạm nhiều lần cung cấp suất ăn cho công nhân...
Tú Anh - Thu Hương