TPHCM:

Nhiều vụ học sinh ngộ độc: Cha mẹ lo sợ cả hàng rong lẫn thức ăn ở trường

Hoàng Lê

(Dân trí) - "Con tôi về nhà kể rằng thức ăn trong trường không ngon và rất ít. Có lần bé còn phát hiện gián trong phần ăn", người mẹ ở TPHCM chia sẻ nỗi lo con ảnh hưởng sức khỏe, trước nhiều nguy cơ bủa vây.

Chỉ trong ít ngày gần đây, cả nước xảy ra liên tiếp 3 sự việc nghi ngờ ngộ độc thực phẩm hàng loạt liên quan đến học sinh, trong đó có 2 vụ ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và một sự việc ở tỉnh Lâm Đồng.

Điểm chung của các trường hợp trên, là việc các học sinh đã ăn những thực phẩm bán xung quanh trường học, trước khi xuất hiện triệu chứng bất lợi về sức khỏe. Trong số đó, có một nữ sinh không qua khỏi trên đường đi cấp cứu.

Dù cơ quan chức năng chưa có kết luận cuối cùng, dư luận và nhất là các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng cho sức khỏe con em mình, khi thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng vẫn bủa vây học đường.

Lo sợ cả hàng rong lẫn thức ăn trong trường

Phóng viên Dân trí đã ghi nhận thực tế tình hình bán hàng rong, thức ăn đường phố tại nhiều khu vực trường học ở TPHCM.

Nhiều vụ học sinh ngộ độc: Cha mẹ lo sợ cả hàng rong lẫn thức ăn ở trường - 1

Học sinh ghé vào mua hàng rong sau khi tan trường (Ảnh: Anh Thư).

Vào những thời điểm vừa tan học, trước cổng một trường tiểu học ở quận 6 đã có hàng loạt người bán kẹo, nước ngọt, bánh tráng trộn... xếp hàng dài chờ sẵn. Vừa bước ra ngoài, các em học sinh lập tức bị thu hút bởi những xe hàng rong màu sắc rực rỡ, đến mua ăn liền tại chỗ.

Theo quan sát, hầu hết xe bán thực phẩm đường phố được trang bị khá đơn giản, ly nhựa, túi bóng để lẫn vào thùng xốp đựng đá hay các giỏ để nguyên vật liệu món ăn, và không được che chắn kỹ. Nhiều người bán hàng rong không đeo găng tay khi chế biến, nhưng các em học sinh vẫn vô tư ăn ngon lành.

Có 2 con vẫn đang học một trường THCS ở quận Bình Tân, chị Lan cho biết, trước giờ, chị luôn kiểm soát kỹ chuyện ăn uống của các bé. Tuy nhiên đôi khi, chị không tránh khỏi tâm lý chiều con.

"Tôi nghĩ cơ quan chức năng nên quản lý chặt chẽ các xe hàng rong bán trước cổng trường để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh. Các con còn bé, hàng quán bán đầy đủ bánh trái hấp dẫn thì bé nào chẳng thích. Nhiều lúc tôi không muốn, nhưng con đòi hoài cũng phải mua", người mẹ nói.

Nhiều vụ học sinh ngộ độc: Cha mẹ lo sợ cả hàng rong lẫn thức ăn ở trường - 2

Bên cạnh nhiều ý kiến lo lắng, một số phụ huynh vẫn vô tư mua hàng rong cho con ăn (Ảnh: Anh Thư).

Chị Lan cũng tiết lộ thêm, một lý do khiến con chị ra ngoài mua đồ ăn là do thực phẩm trong căng tin trường giá cao nhưng lại không chất lượng.

"Con tôi về nhà kể rằng thức ăn trong trường không ngon và rất ít. Có lần bé còn phát hiện gián trong phần ăn. Thú thật giờ tôi rất lo lắng, vì mua hàng rong đồ ăn trôi nổi không đảm bảo, nhưng ở trong trường cũng không biết có sạch hơn hay không", người phụ nữ tâm sự.

Phụ huynh cần kiểm soát chi tiêu của trẻ?

Nhiều vụ học sinh ngộ độc: Cha mẹ lo sợ cả hàng rong lẫn thức ăn ở trường - 3

Đồ ăn, thức uống bán rong ngoài cổng trường thường có giá rẻ (Ảnh: Anh Thư).

Cầm chai nước vừa mua được ở xe hàng rong trong lúc chờ mẹ đến đón, Quân (tên đã thay đổi), học sinh một trường cấp 2 ở quận Bình Tân cho hay: "Em mua chai nước ngọt ở cổng chỉ 10.000 đồng, còn trong trường cũng chai nước này nhưng giá tới 20.000 đồng".

Đứng bên cạnh, một phụ huynh hằng ngày đưa rước con bằng xe máy nhận định, ngoài việc thức ăn hàng rong có nhiều sự lựa chọn, mùi vị hấp dẫn thì gần như luôn được bán với giá rẻ hơn thực phẩm trong trường.

Ngoài ra, nhiều người lớn bận mưu sinh từ sáng đến tối, không có thời gian nấu nướng, nên chọn cách cho con tiền tự mua đồ ăn khi đi học. Chính vì vậy, việc trẻ chọn nguồn thực phẩm nào để tiêu thụ ngày càng khó kiểm soát.

Chị Hương, có con học lớp 6 ở trường THCS Hồng Bàng (quận 5) chia sẻ, mỗi sáng chị đều nấu nướng hoặc tự ra hàng quán quen để mua thực phẩm cho con ăn sáng tại nhà. Nhưng khi trẻ đi học, chị cũng có cho con ít tiền để vui chơi, ăn vặt với bạn bè.

"Vừa qua theo dõi báo chí, tôi biết được thông tin các em nhỏ ở nhiều tỉnh bị ngộ độc bởi thức ăn trước cổng trường nên cũng sợ lắm. Bình thường tôi đều nói con không nên mua đồ ăn đường phố, nhưng khi bé đến trường thì kiểm soát như thế nào đây",  phụ huynh này tự đặt câu hỏi.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, trong năm qua, cơ quan chức năng đã liên tục có những đợt thanh tra, kiểm tra bếp ăn tập thể và căng tin của hệ thống trường học ở TPHCM.

Nhiều vụ học sinh ngộ độc: Cha mẹ lo sợ cả hàng rong lẫn thức ăn ở trường - 4

Bếp ăn tại một trường mầm non công lập ở TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Các nơi cung cấp suất ăn cho trường học phải đáp ứng những yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), nguyên liệu chế biến phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phải đạt các chuẩn như VietGap, GlobalGap.... Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm sau cùng để bữa ăn của học sinh phải được an toàn.

Còn thức ăn đường phố, hàng rong bán ở khu vực trường học luôn được xác định có nhiều nguy cơ lớn, vì đối tượng sử dụng là các em học sinh, sinh viên. Học sinh càng nhỏ sẽ càng nguy hiểm.

Do đó theo bà Phong Lan, hệ thống chính trị ở các địa phương cần siết chặt về quản lý thức ăn đường phố, tăng cường giám sát, hướng dẫn người dân việc đảm bảo vệ sinh ATTP. Song song đó, cần xây dựng những điểm tập trung bán thực phẩm đường phố an toàn.

Với phụ huynh học sinh, cần dạy con em mình thói quen không sử dụng thực phẩm trôi nổi, đi kèm việc kiểm soát chi tiêu của trẻ.

Nếu phát hiện vấn đề liên quan đến tình trạng mất ATTP ở trường học, người dân hãy gọi đến đường dây nóng của Sở ATTP TPHCM (số điện thoại 0283.930.1714), để cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý.

Hoàng Lê - Anh Thư