TP HCM:
Dùng bữa tại trường, gần 100 học sinh có biểu hiện ngộ độc thực phẩm
(Dân trí) - Sau khi ăn bữa trưa với bánh canh tôm, bữa xế bánh su kem gần 100 học sinh tại trường Tiểu học Bình Trưng Đông, quận 2 có biểu hiện ngộ độc. 28 học sinh nhập viện cấp cứu.
Vụ việc trên xảy ra tại trường Tiểu học Bình Trưng Đông, quận 2, TPHCM. Ngày 11/9, các học sinh bán trú tại trường ăn trưa với món bánh canh tôm. Tiếp đến, trong bữa xế các bé được dùng dùng món bánh su kem. Các món ăn trên được nhà trường hợp tác với cơ sở cung cấp suất ăn sẵn từ bên ngoài. Chiều cùng ngày học sinh tan trường trở về nhà, chưa ghi nhận dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
Tuy nhiên, một ngày sau nhiều học sinh bắt đầu có biểu hiện mệt, đau đầu, nôn ói… sự việc được phụ huynh phản ánh đến nhà trường. Phía nhà trường đã phối hợp với Phòng giáo dục của quận và ngành y tế để thống kê, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho các học sinh bị ảnh hưởng. Thống kê sơ bộ của Phòng Giáo dục quận 2, đến ngày 13/9 đã ghi nhận 98 học sinh có biểu hiện mệt, nôn ói, tiêu chảy, nhiều học sinh được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Chiều 13/9, BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2 cho biết: “Trong 2 ngày qua, chúng tôi đã tiếp nhận 28 bệnh nhi là học sinh trường Tiểu học Bình Trưng Đông nhập viện với cùng các triệu chứng đau đầu, nôn ói, tiêu chảy. Theo nhận định ban đầu, các bé có thể bị ngộ độc thực phẩm nên việc điều trị đang tập trung xử trí các triệu chứng của bệnh nhân theo hướng ngộ độc thực phẩm”.
Cũng theo BS Trần Văn Khanh, hiện hầu hết các bé đã ổn định sức khỏe, một số cháu có biểu hiện mất nước được truyền dịch bổ sung. Hiện chưa ghi nhận trường hợp có diễn tiến nặng. Bệnh viện đang tiếp tục theo dõi, chăm sóc cho tất cả các bé và sẵn sàng tiếp nhận những ca bệnh mới (nếu có).
BS Khanh cho biết thêm, các biểu hiện ngộ độc ở nhóm bệnh nhân xuất hiện khá trễ, thời gian trung bình là sau 12 giờ kể từ khi ăn. Đây có thể là do các loại vi khuẩn có độc lực yếu gây nên. Tuy nhiên, để xác định cụ thể nguyên nhân gây ngộ độc cần phải chờ kết quả xét nghiệm mẫu thức ăn, mẫu bệnh phẩm.
Sau khi độc tố botulinum trong món pate Minh Chay khiến nhiều người rơi vào nguy kịch, ngộ độc thực phẩm thời gian gần đây đang trở thành nỗi ám ảnh đối với cộng đồng. Các rủi ro có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm bị xem nhẹ đang gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Để tránh các vụ ngộ độc xảy ra tại trường học nói riêng và các bếp ăn tập thể nói chung BS Trần Văn Khanh cho rằng, nếu thực phẩm chưa bị biến chất, ôi thiu thì người dùng rất khó phát hiện rủi ro tiềm ẩn. Việc tuân thủ quy trình an toàn thực phẩm và trách nhiệm từ cơ sở sản xuất, chế biến đến đơn vị giám sát chất lượng để bảo đảm an toàn trước khi suất ăn đến tay người dùng cần phải đặt lên hàng đầu.