Nhiều thách thức trong điều trị bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay
(Dân trí) - Nhiều thử thách phát sinh trong điều trị các bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay ở thể nặng, xuất phát từ độc lực mạnh của botulinum, cũng như sự khan hiếm của thuốc đặc trị.
Botulinum là loại chất độc sinh học nguy hiểm nhất mà con người từng biết đến. Chỉ cần hấp thụ với liều lượng 1,3-2,1 nanogam/kg thể trọng cũng đã có thể gây chết người.
Vừa qua, nhiều bệnh nhân ngộ độc botulinum do ăn sản phẩm pate Minh Chay đã bị bại liệt toàn thân, phải thở máy.
Thuốc giải độc 8000 USD giảm hiệu quả nếu sử dụng muộn
Botulinum là chất độc thần kinh. Khi vào cơ thể, độc tố này theo đường tiêu hóa vào máu. Chất độc sẽ liên kết với các đầu dây thần kinh liên kết với các cơ. Điều này ngăn các dây thần kinh truyền tín hiệu cho các cơ, từ đó gây liệt.
Trong trường hợp bị liệt hô hấp, bệnh nhân không thể tự thở, và có thể tử vong trong thời gian ngắn, nếu không được hỗ trợ thở máy.
Phương pháp điều trị chính đối với ngộ độc botulinum là sử dụng thuốc giải độc.
Tuy nhiên, theo ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, loại thuốc này rất khan hiếm và không có sẵn ở Việt Nam.
Trên thực tế, phải mất đến 10 ngày, với sự phối hợp của nhiều bên, để có thể đưa 2 lọ thuốc giải độc từ Thái Lan về Việt Nam, cấp cứu kịp thời cho 2 ca bệnh ngộ độc nặng do ăn pate Minh Chay.
“Thuốc giải độc botulinum có tên là Botulism antitoxin heptavalent (BAT). Loại thuốc này chỉ có trong kho dự trữ quốc gia của một số nước. Ngay tại Thái Lan, cũng chỉ có chưa đến 10 lọ BAT và nước bạn đã chia sẻ cho chúng ta 2 lọ trong số đó” – BS Nguyên cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, bên cạnh sự khan hiếm, thuốc BAT cũng rất đắt đỏ. Mỗi lọ BAT mà chúng ta đã nhập về để giải độc cho bệnh nhân có giá đến 8000 USD (theo giá nhà nước Thái Lan niêm yết).
Khan hiếm và đắt đỏ, thế nhưng, theo các chuyên gia, thuốc giải độc chỉ có thể phát huy hết hiệu quả khi được sử dụng sớm. Cùng với đó, khả năng của thuốc chỉ dừng lại ở mức ngăn tình trạng ngộ độc trầm trọng thêm.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai phân tích: “Nguyên lý hoạt động của BAT là ngăn chặn các độ tố tự do lưu hành bám vào dây thần kinh, đồng thời trung hòa chúng, từ đó giúp bệnh không nặng thêm lên. Với các độc tố đã bám vào dây thần kinh thì chỉ có thể chờ cơ thể tự đào thải”.
Cũng theo chuyên gia này, các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, BAT có hiệu quả tốt nhất nếu được sử dụng trong khoảng thời gian dưới 2 ngày, kể từ khi xuất hiện triệu chứng ngộ độc.
Trong khi đó, các bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay lại đến bệnh viện rất muộn, thường sau một vài tuần mới phát hiện. Do đó, việc sử dụng thuốc kháng độc tố có thể kém đi.
Những thử thách khi bệnh nhân thở máy kéo dài
Theo thống kê trên thế giới, có khoảng 50% các trường hợp ngộ độc botulinum phải đặt ống nội khí quản để thở máy xâm nhập. Ở Việt Nam, đến thời điểm hiện tại cũng đã có 8 bệnh nhân phải thở máy.
Theo BS Nguyên, với bệnh nhân ngộ độc botulinum, thời gian thở máy trung bình từ 1,5 đến 2 tháng. Việc bệnh nhân phải thở máy trong một thời gian dài như vậy sẽ tốn rất nhiều nguồn lực y tế.
Cụ thể, lực lượng y tế phải túc trực, theo dõi sát tình trạng của bệnh nhân. Người bệnh cũng đòi hỏi phải sử dụng số lượng lớn trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc men để duy trì việc thở máy.
Bên cạnh đó, thời gian thở máy càng dài, bệnh nhân càng đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe.
“Nhiều nguy cơ biến chứng có thể xảy ra với bệnh nhân thở máy. Ví dụ điển hình là nguy cơ bệnh nhân nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc. Trong trường hợp điều trị kháng sinh thất bại, bệnh nhân có thể tử vong” – BS Nguyên nhấn mạnh.