Nhiều rủi ro khi tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ sau sinh

(Dân trí) - GS.TS Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế quốc gia cho rằng, việc tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ sau sinh tiềm ẩn nhiều rủi ro.

 
GS.TS Nguyễn Đình Bảng. Ảnh: H.Hải
GS.TS Nguyễn Đình Bảng. Ảnh: H.Hải

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tai biến sau tiêm vắc xin viêm gan B khiến 3 trẻ sơ sinh tử vong? Diễn tiến dẫn đến tím tái, lịm đi sau tiêm ở cả 3 trẻ chỉ trong vòng 10 phút có bất thường không?Phải chăng chất lượng vắc xin có vấn đề?

Tôi cho rằng các ca bệnh này quá đặc biệt, là lần đầu tiên ở Việt Nam, chỉ trong một thời gian ngắn, tại một bệnh viện xảy ra 3 cháu bé tử vong sau ít phút tiêm vắc xin. Đây là sự cố quá đau lòng cho gia đình, cha mẹ các bé. Bộ trưởng Y tế nên thấy xót với nỗi đau của người mẹ. Người mẹ con ốm đau phải vào bệnh viện không qua khỏi đã xót, nay một đứa trẻ vừa sinh ra, khỏe mạnh chết càng xót xa.

Về nguyên nhân gây ra tai biến này, theo tôi, không nên “quy tội” ngay cho vắc xin mà cần phải chờ kết luận cuối cùng của quá trình điều tra. Tử vong sau tiêm chủng có rất nhiều nguyên nhân, chứ không riêng gì về chất lượng vắc xin.

Tôi nghĩ nếu chất lượng vắc xin có vấn đề sự việc trầm trọng hơn rất nhiều, hàng nghìn trẻ đã được tiêm lô vắc xin này. Vì thế, tôi nghĩ chưa thể nói nguyên nhân do vắc xin.

Thưa giáo sư, việc tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh nhằm mục đích gì? Giáo sư cho rằng tiêm vắc xin cho trẻ trong 24 giờ sau sinh có những cái rủi ro, xin giáo sư phân tích thêm về những rủi ro này?

Việc tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh nhằm kiểm soát được 100% trẻ khi sinh ra được tiêm vắc xin này. Thứ nữa, người ta nghĩ rằng tiêm như thế giải quyết được trường hợp người mẹ có mang kháng nguyên của vi rút viêm gan B, khi đó tiêm nhằm âm tính hóa trường hợp cháu bé sinh ra từ những người mẹ viêm gan B. Tuy nhiên, không phải tất cả cháu bé bị truyền kháng nguyên sang lại phát triển thành viêm gan. Hơn nữa phải đảm bảo đầy đủ các mũi tiêm thì mới đạt được mục đích này.

Nếu tiêm vắc xin cho trẻ sơ sinh mới 1 - 2 ngày tuổi, khả năng thích ứng của đứa trẻ với môi trường bên ngoài chưa có. Bởi trước đó, em bé nằm trong bụng người mẹ, được bảo vệ tốt bởi nhiệt độ, nước ối xung quanh. Khi vừa ra khỏi môi trường an toàn đó, trẻ tiếp xúc với môi trường bên ngoài (nếu nhà hộ sinh có nhiệt độ điều hòa thì tốt, nhưng ở những nơi không có điều kiện, vùng nông thôn, nhiệt độ lúc nắng nóng lên 39 - 40 độ), sự thích ứng của đứa trẻ khó khăn hơn, tiêm một kháng nguyên lạ vào cơ thể tăng nguy cơ phản ứng cho trẻ.

Tức là không nên tiêm vắc xin này trong vòng 24 giờ sau sinh, thưa giáo sư?

Quan điểm cá nhân của tôi, về mặt khoa học là với trẻ mới sinh 1 - 2 ngày chưa nên tiêm, Còn về chủ trương lớn, tôi không có ý kiến gì phản bác nhưng tôi vẫn không yên tâm với cách tổ chức tiêm sớm quá. Không phải bây giờ mới nói mà phát biểu cách đây cả chục năm nay.

Hiện tiêm trẻ sơ sinh chỉ có hai loại vắc xin phòng lao (BCG) và viêm gan B. Theo tôi, việc tiêm vắc xin lao ở tuổi sơ sinh là hoàn toàn đúng vì bệnh lao lây qua đường hô hấp, từ ô nhiễm không khí, môi trường, những người xung quanh trẻ. Nhưng vi rút viêm gan B không lây dễ dàng như vi khuẩn lao. Nên tôi chỉ ủng hộ tiêm vắc xin phòng lao cho trẻ nhỏ sơ sinh (nhưng không nhất thiết phải tiêm ngay một vài ngày sau sinh), còn với vắc xin viêm gan B, về quan điểm cá nhân, tôi thấy chưa thuyết phục về mặt khoa học.

Thưa ông, vậy giải pháp hợp lý nhất là gì?

Theo tôi nên xem người mẹ có bị viêm gan B không đã. Nếu mẹ không mang vi rút viêm gan B thì trên phương diện bảo vệ của trẻ em, tôi nghĩ rằng không nên tiêm sớm quá.

Thưa ông, trên thế giới có nước nào khuyến cáo giống Việt Nam, tiêm vắc xin ngừa viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh?

Theo tôi hiểu, Tổ chức y tế thế giới (WHO) không bắt buộc mà chỉ khuyến cáo là có thể tiêm được.

Cá nhân tôi thì cho rằng, việc tiêm quá sớm là không nên, nhất là ở những đứa trẻ được sinh ra từ những bà mẹ không bị viêm gan B, tiêm quá sớm sau sinh sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Vắc xin viêm gan B được bảo quản ở nhiệt độ từ 0 - 10 độ C. Một em bé vừa lọt lòng mẹ, em bé chưa thích ứng được với môi trường mà lại tiêm vắc xin là chất lạ vào cơ thể, nhất là vắc xin vừa lấy trong tủ lạnh ra, cơ thể rất dễ phản ứng lại. Vì thế, khi tiêm bất cứ vắc xin nào, nên lấy ra, để ngoài một chút cho nhiệt độ tăng lên gần tương đương với nhiệt độ cơ thể. Điều này không ảnh hưởng đến chất lượng vắc xin.

Xin cảm ơn giáo sư!

Tú Anh (ghi)