1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Quảng Trị: Y tá Thuận đã che giấu việc tiêm nhầm thuốc độc như thế nào?

(Dân trí) - Cơ quan công an tỉnh Quảng Trị cho biết, việc chậm công bố kết quả là do chưa có đủ căn cứ chứng minh, trong quá trình điều tra gặp phải nhiều khó khăn.

Sáng nay (22/5), Công an tỉnh Quảng Trị đã tổ chức họp báo công bố kết quả điều tra vụ án “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”, xảy ra ngày 20/7/2013, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa.

Cơ quan điều tra khẳng định đã có đủ căn cứ để chứng minh nguyên nhân dẫn đến cái chết của 3 trẻ sơ sinh là do y tá Nguyễn Thị Hải Thuận đã tiêm nhầm thuốc Esmeron, thay vì vắc tiêm vắc xin viêm gan B. Đây là một loại thuốc gây mê có chức năng hỗ trợ gây mê toàn thân để đặt nội khí quản, giúp giãn cơ trong phẫu thuật.

Vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong được xác định là do tiêm nhầm thuốc
Vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong được xác định là do tiêm nhầm thuốc

Sau một quá trình dài điều tra về nguyên nhân dẫn đến cái chết của 3 trẻ sơ sinh, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, vào tháng 7/2013, Thượng tá Lê Quang Công, quyền Trưởng phòng PC45, Công an tỉnh Quảng Trị thông tin về những tình tiết của vụ án.
 
Theo đó, ngày 20/7/2013, bị can Thuận sau khi nhận y lệnh của Bác sĩ đã viết 3 phiếu tiêm chủng Viêm gan B rồi trực tiếp đến tại phòng khám của bệnh viện gặp anh Nguyễn Nhật Trường (y tá phòng khám) và yêu cầu anh Trường mở khóa phòng để vào tủ lạnh lấy vắc xin tiêm cho các trẻ. Tuy nhiên, thời điểm này điện lưới của bệnh viện bị mất, phòng thiếu ánh sáng nên bị can Thuận dùng ánh sáng điện thoại để lấy 3 liều vắc xin.

Sau khi đã tiêm cho các trẻ và xảy ra các phản ứng, cùng tiếng kêu cứu từ người thân các trẻ này, bà Thuận biết mình đã tiêm nhầm thuốc nên đã về nơi bảo quản vắc xin lấy hộp đựng 3 lọ thuốc đã tiêm cho ba trẻ sơ sinh cho vào túi áo mình. Đồng thời đưa hết thuốc trong tủ lạnh vào phòng đẻ, đổ hết thuốc ra rồi bỏ ba lọ thuốc đó vào sọt rác. Sau đó, bà Thuận quay vào xe tiêm lấy ba lọ thuốc đã tiêm nhầm vứt ra gốc cây nhãn cạnh khoa sản. Tiếp đó, bà Thuận vào nhà vệ sinh cầm hộp thuốc đã lấy trong khoa phòng khám ra xem, bên ngoài hộp có ghi chữ “thuốc độc”. Trên vỏ hộp in tiếng Anh, nhưng bà Thuận không đọc được nên không biết thuốc này là thuốc gì.

Sau đó, bà Thuận bồng ba đứa trẻ lên phòng cấp cứu nhưng tất cả đều đã tử vong. Bà Thuận liền ra xe tiêm dùng kéo cắt vỏ lọ chai an toàn đổ ra nhà (trong đó đựng nhiều mũi và bơm kim tiêm đã sử dụng trước đó).

Bà Thuận nhặt 3 vỏ bơm kim tiêm  loại sử dụng tiêm vắc xin viêm gan B, bà Hồ Thị Thục thấy vậy đã cho bà Thuận một miếng giấy để gói ba bơm kim tiêm đó. Sau đó, bà Thục dọn số kim tiêm còn lại bỏ vào sọt rác. Kết quả xác định thuốc Esmeron là thuốc dãn cơ dùng trong gây mê, thuộc nhóm thuốc độc do bác sĩ Lê Huỳnh Sơn tự gửi vào tủ lạnh khoa phòng khám để bảo quản. Trước khi gửi vào ông Sơn đã ghi vào bên ngoài hai chữ “thuốc độc”.

Vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong được xác định là do tiêm nhầm thuốc
Đại tá Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị giải thích các nghi vấn của đại diện các cơ quan báo chí

Tại cuộc họp báo, đại diện nhiều cơ quan báo chí đã đặt ra nhiều nghi vấn xoay quanh vụ việc trên. Trong đó, có đề cập đến trách nhiệm của những người liên quan; trách nhiệm của kíp trực khi xảy ra sự việc; vì sao sự việc xảy ra từ tháng 7/2013 nhưng đến nay mới công bố kết quả điều tra; sự chậm trễ trong việc khởi tố bị can; quá trình bảo quản thuốc tại Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa như thế nào khi để trộn chung vắc xin với Esmeron; kết quả khám nghiệm thi thể các nạn nhân có phát hiện Esmeron hay không? Hiện trạng vỏ thuốc cơ quan thu được tại hiện trường vụ án…?

Thủ trưởng cơ quan điều tra, Đại tá Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, giải thích: Sở dĩ cơ quan công an chậm công bố kết quả là do chưa có đủ căn cứ chứng minh, trong quá trình điều tra gặp phải nhiều khó khăn. Hiện trường vụ án đã bị xáo trộn. Hơn nữa bị can có dấu hiệu cản trở công tác điều tra và che giấu hành vi của mình. Tuy nhiên, hiện nay bà Thuận đã nhận toàn bộ hành vi do mình gây ra dẫn đến cái chết của 3 trẻ sơ sinh.

Hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra mở rộng để làm rõ trách nhiệm của những người liên quan đến vụ án này. Nếu có đủ căn cứ sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Trần Văn Thành, 
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc sở Y tế tỉnh Quảng Trị chia sẻ nỗi đau cùng các gia đình nạn nhân

Trong quá trình điều tra, cơ quan công an đã phát hiện chứng chỉ Y tế dự phòng được cấp cho bà Thuận là không hợp lệ. Ông Trần Văn Thành, Giám đốc sở Y tế tỉnh Quảng Trị thừa nhận việc cấp chứng chỉ như vậy là sai quy định. Đó là thiếu sót của ngành Y tế, nhưng bà Thuận cũng đã có thời gian công tác lâu năm.

Trả lời về việc khi cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm thi thể các nạn nhân có phát hiện Esmeron hay không? Đại tá Việt nói do vụ án đang trong quá trình điều tra mở rộng nên chưa tiện công bố.

Như Dân trí đã thông tin, vào ngày 20/7/2013, đã xảy ra vụ 3 trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa. Thời điểm xảy ra sự cố thuộc phiên trực của bà Nguyễn Thị Thuận và 1 nữ y tá. Hai cán bộ này đã trực tiếp khám, xử trí cho 3 sản phụ cùng 3 trẻ sơ sinh.

Liên quan đến vụ việc, 27/7/2013, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác với bà Thuận và 1 nữ y tá này. Cụ thể, hai cán bộ này đã có sai sót trong quá trình thực hiện tiêm chủng theo quyết định số 23/2008/QĐ-BYT ngày 7/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành về sử dụng vắc xin sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị.

Ngày 10/10/2013, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Quảng Trị đã khởi tố vụ án “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” xảy ra tại Bệnh viện này.

Đến ngày 25/3/2014, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Thị Thuận để điều tra, làm rõ vụ án “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”.

Ngày 26/3, Cơ quan này phối hợp với Cục C45 Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt và khám xét chỗ ở của bà Thuận tại Khóm 3, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa.

Đăng Đức