1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Các tỉnh phía Nam:

Nhiều “lỗ hổng” trong chống cúm gia cầm

(Dân trí) - Cúm gia cầm bùng phát và tiếp tục lây lan trên diện rộng nhưng công tác phòng chống dịch còn manh mún, cục bộ. Trước tình hình trên, Cục Thú y đã chủ trì cuộc họp yêu cầu các tỉnh phía Nam hợp sức chống cúm gia cầm.


Bao tải chứa gia cầm chết trôi trên Kênh Đông, huyện Củ Chi, TPHCM
Bao tải chứa gia cầm chết trôi trên Kênh Đông, huyện Củ Chi, TPHCM

Theo thông tin từ Cục Thú y, đến ngày 24/2 trên cả nước đã xuất hiện 65 ổ dịch cúm A/H5N1 tại 20 tỉnh thành, tổng tiêu hủy hơn 60.000 con. Mỗi ngày cả nước tăng thêm 4-7 ổ dịch. Ba tỉnh mới xuất hiện cúm gần đây nhất tại khu vực phía Nam là Bình Phước, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Phân tích của ông Mai Văn Hiệp, Cục phó Cục Thú y cho thấy dịch diễn biến phức tạp và khó kiểm soát là do sự thay đổi của thời tiết tạo điều kiện cho vi-rút gây bệnh phát triển; việc buôn bán vận chuyển và giết mổ gia cầm thiếu kiểm soát thời điểm trước và sau tết.

Bên cạnh đó, dịch lây lan một phần do chính quyền cấp cơ sở chưa làm hết trách nhiệm trong việc khoanh vùng dập dịch, tiêu độc khử trùng. Nhiều tỉnh “lấn cấn” về kinh phí nên không triển khai tiêm phòng cúm lần 2 trong năm 2013 và chưa tiêm phòng cúm gia cầm lần 1 năm 2014. Nguy hiểm hơn, sự xuất hiện của vi-rút gây bệnh nhóm C có khả năng vô hiệu hóa vắc-xin chống cúm gia cầm (Re1), cùng với đó là nguy cơ phải đối mặt với nhiều loại cúm khác từ nước ngoài tràn vào.

Cùng với ổ dịch đã xuất hiện trên địa bàn, nguy cơ cúm gia cầm từ các tỉnh tràn về thành phố cũng rất lớn. Số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn khẳng định hiện thành phố chỉ có một cơ sở giết mổ gia cầm (gà) duy nhất tại quận Gò Vấp với số lượng khoảng 70.000 con mỗi ngày. Nguồn gia cầm được nhập về cơ sở này chủ yếu từ các tỉnh miền Tây và khu vực Đông Nam Bộ. Ngoài ra, thành phố còn có nhiều cơ sở giết mổ từ các tỉnh lân cận nhập gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm về tiêu thụ.

Xác vịt chết nằm phơi trên cánh đồng huyện Trảng Bàng, Tây Ninh
Xác vịt chết nằm phơi trên cánh đồng huyện Trảng Bàng, Tây Ninh

Mặc dù Chi cục Thú y tại 21 tỉnh Đông và Tây Nam Bộ đã ký thỏa thuận hợp tác trong công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật, sản phẩm từ động vật. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, sự trao đổi thông tin dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm giữa các tỉnh còn chưa thường xuyên, kịp thời. Tình trạng giết mổ không theo quy trình chuyên nghiệp, giết mổ vịt và gà trong cùng một cơ sở khiến nguy cơ lây nhiễm vi-rút cúm từ vịt sang gà tại cơ sở giết mổ rất cao. Công tác tuyên truyền dịch bệnh không triệt để nên người dân ném gia cầm chết xuống sông cho trôi từ tỉnh này qua tỉnh khác...

Chỉ cần một sơ suất nhỏ trong khâu kiểm dịch, vi-rút cúm gia cầm từ tỉnh này có thể sẽ được “vận chuyển” qua tỉnh khác. Ông Phan Ngọc Châu, Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh Long An đề nghị các tỉnh phải có biện pháp kiểm soát dịch bệnh từ gốc. Để làm được vấn đề này, trạm kiểm dịch giáp ranh giữa các tỉnh cần phải phối hợp với nhau chặt chẽ hơn; cần phải lập kênh thông tin giữa phòng dịch tế các địa phương để kịp thời thông báo khi phát hiện dịch bệnh từ đó khoanh vùng và xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan.

Kiểm soát và dập cúm gia cầm cần thông tin công khai minh bạch
Kiểm soát và dập cúm gia cầm cần thông tin công khai minh bạch

Đại diện Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang thẳng thắn nhìn nhận, hiện nhiều phương tiện vận chuyển gia cầm lưu thông trên địa bàn về các tỉnh thường xuyên né chốt kiểm dịch hoặc vận chuyển lén lút nên rất khó kiểm soát. Để hạn chế tình trạng nhập gia cầm lậu, ngành thú y Tiền Giang đề nghị các tỉnh công bố danh sách những cơ sở chăn nuôi, giết mổ đạt yêu cầu trên địa bàn, đồng thời kiên quyết không để gia cầm lậu lưu hành trên thị trường.

Trong cuộc họp giữa Cục Thú y và các tỉnh phía Nam diễn ra tại Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM, ông Mai Văn Hiệp - Cục phó Cục Thú y nhấn mạnh: “Dịch cúm gia cầm đang tiềm ẩn những hiểm họa khó lường, đe dọa trực tiếp đến ngành chăn nuôi và sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế không ít địa phương đang giấu dịch gây tâm lý nghi kỵ hoặc cấm đoán lẫn nhau trong việc vận chuyển, tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế thị trường. Dịch không phải của riêng địa phương nào mà là mối đe dọa chung vì thế đề nghị các địa phương phải chia sẻ thông tin, công khai minh bạch để cùng nhau chống và dập dịch.”

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm