1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM: “Ém” ổ dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm?

(Dân trí) - Kết quả xét nghiệm đàn vịt 124 con của gia đình ông Nguyễn Văn Vân dương tính với cúm A/H5N1, ngành thú y nhanh chóng tịch thu tiêu hủy. Thực tế dịch cúm đã xảy ra trên địa bàn huyện Củ Chi nhưng Chi cục Thú y thành phố phủ nhận.

Người nói có dịch người nói không

Theo phản ánh của bạn đọc, thời gian sau tết trên địa bàn huyện Củ Chi xảy ra tình trạng gia cầm bệnh và chết, cơ quan thú y địa phương đã phát hiện một đàn gia cầm dương tính với vi-rút cúm A/H5N1.

Với mục đích thông tin kịp thời đến người dân về tình trạng dịch bệnh để cộng đồng chủ động phòng tránh, sáng 18/2 Dân trí đã liên hệ qua điện thoại với bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Củ Chi. Bà Lệ Thủy cho biết, địa bàn huyện có xuất hiện cúm trên đàn gia cầm chủng H5N1. Tuy nhiên, “Chúng tôi phụ trách kiểm soát tình hình dịch bệnh ở người nên thông tin chi tiết về bệnh trên gia cầm vui lòng liên hệ với Chi cục Thú y.”

Những đàn vịt tại huyện Trảng Bàng, Tây Ninh tiềm ẩn nguy cơ gây dịch cho TPHCM
Những đàn vịt tại huyện Trảng Bàng, Tây Ninh tiềm ẩn nguy cơ gây dịch cho TPHCM

Tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống cúm gia cầm (chiều 18/2) ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: “Trong trường hợp địa phương xảy ra dịch cần phải kịp thời cung cấp thông tin để người dân biết, người dân chủ động phòng và kết hợp với các cơ quan chức năng dập dịch. Nghiêm cấm mọi hành vi giấu dịch hoặc công bố thông tin không đúng sự thật khiến dân hoang mang”.
 
Chiều cùng ngày tại đầu cầu TPHCM bên lề cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ ngành liên quan trên cả nước về vấn đề phòng chống cúm gia cầm, trả lời câu hỏi “có ổ cúm gia cầm ở huyện Củ Chi hay không?” của Dân trí, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y khẳng định: “Chưa phát hiện cúm gia cầm trên địa bàn thành phố.”

Ông Thảo cho biết thêm, trước nguy cơ cúm gia cầm có thể xâm nhập từ vùng giáp ranh giữa Củ Chi với tỉnh Tây Ninh, theo phản ánh của người dân về tình trạng gia cầm chết theo kênh Đông giạt về thành phố chúng tôi tiến hành kiểm tra và phát hiện 11 bao tải chứa gia cầm chết bị thả trôi trên dòng kênh. Chi cục Thú y đã phối hợp với Cục thú y vùng VI, Chi cục Thú y Tây Ninh lấy mẫu xét nghiệm 13 hộ chăn nuôi thì phát hiện một ổ cúm H5N1 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

“Ém” thông tin từ điểm phát dịch

Cùng một vấn đề nhưng hai ý kiến trái chiều, trong khi bạn đọc phản ánh thông tin khẳng định “có dịch”. Dân trí đã về địa phương “đi tìm sự thật”. Làm việc với cơ quan chức năng (chiều 21/2) chân tướng sự việc dần sáng tỏ.

Bà Thanh Thúy trao đổi với Dân trí về đàn vịt mới bị tiêu hủy và các vấn đề liên quan
Bà Thanh Nga trao đổi với Dân trí về đàn vịt mới bị tiêu hủy và các vấn đề liên quan
Thông tin từ bản báo cáo nhanh ngày 19/2 của Chi cục Thú y huyện Củ Chi về công tác phòng chống cúm gia cầm gửi đến Ban lãnh đạo Chi cục Thú y; Thường trực UBND huyện; phòng Kinh tế… ghi rõ: “Ngày 12/2 phối hợp với UBND xã Tân Thạnh Đông xử lý một trường hợp chăn nuôi vịt thả đồng của ông Nguyễn Văn Vân ngụ ấp 11. Đàn vịt có kết quả dương tính với vi-rút cúm gia cầm A/H5N1, tiêu hủy 124 con vịt (tổng trọng lượng 225kg).

Tiếp đó: “Ngày 14/2 Chi cục Thú y phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Củ Chi kiểm tra sức khỏe trong gia đình ông Vân và những người xung quanh. Kết quả kiểm tra thận nhiệt 17 người đều bình thường, sức khỏe ổn định.”

Trao đổi với Dân trí, bà Phan Thị Kim Thoa – Phó chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Đông xác nhận: “Ngành Thú y có đến địa phương kiểm tra và xử lý đàn gia cầm nuôi trái phép của gia đình ông Nguyễn Văn Vân. Họ có lấy mẫu kiểm tra, nhưng đến nay (chiều 21/2 – PV) chúng tôi vẫn chưa được thông báo kết quả.”

Hành động bí ẩn của ngành chức năng đang khiến người dân lo lắng
Hành động "bí ẩn" của ngành chức năng đang khiến người dân lo lắng

Bà Nguyễn Thanh Nga (53 tuổi, vợ ông Vân) cho biết: Dù chính quyền địa phương cấm không cho chăn nuôi gia cầm nhưng để tăng nguồn thu nhập, gia đình tôi đã dựng lều bên dòng kênh Tàu Ao nuôi đàn vịt từ giữa năm 2013. Trong số 124 con vịt, nửa đàn chúng tôi nuôi để lấy trứng, nửa đàn mới mua về dự tính nuôi lớn để bán thịt. Nhưng khi vịt thịt còn nhỏ, vịt đẻ vẫn chưa cho quả trứng nào thì chúng đã đổ bệnh. Ban đầu là biểu hiện bỏ ăn, sau đó nhiều con lăn ra co giật…

Chúng tôi đang tính tách những con bệnh ra chăm sóc riêng thì ngày 12/2 địa phương ập đến kiểm tra rồi tịch thu tiêu hủy. Hai ngày sau họ quay lại phun thuốc tiêu độc khử trùng quanh khu vực gia đình tôi chăn nuôi đồng thời đo thân nhiệt của 6 người trong gia đình và các hộ dân xung quanh... Họ không nói gì về dịch bệnh. Từ đó đến nay, tôi cứ nghĩ đàn vịt bị tịch thu là do nuôi trái phép nhưng không hiểu được vì sao phải tiêu độc khử trùng và đo thân nhiệt của chúng tôi.”

Vì sao dịch bệnh xảy ra trên địa bàn nhưng người đứng đầu ngành Thú y của thành phố không nắm được? Liệu các báo cáo “nóng” mỗi ngày về tình hình dịch bệnh trên địa bàn có đủ chính xác và tin cậy? Đâu là thực tế đang diễn ra của cúm gia cầm tại TPHCM?... Các vấn đề trên rất cần cơ quan chức năng làm rõ để người dân thành phố “biết, chủ động phòng và kết hợp dập dịch”.

Vân Sơn