Nhân viên văn phòng, tiếp viên hàng không hãy cảnh giác căn bệnh "hiểm" này

Hoàng Lê

(Dân trí) - Bác sĩ cảnh báo, người thường mang giày cao gót, làm công việc phải đứng nhiều hoặc ngồi một chỗ thời gian dài như giáo viên, nhân viên văn phòng, tiếp viên hàng không sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh này.

 Bà H. (64 tuổi) đến bệnh viện ở TPHCM "cầu cứu" trong tình trạng sưng phù hai bắp chân. Bà kể phát hiện suy tĩnh mạch chi dưới từ ba năm trước, uống nhiều loại thuốc và mang vớ tĩnh mạch đều đặn nhưng bệnh tình thuyên giảm không đáng kể.

Một tháng gần đây, triệu chứng bệnh nặng lên khiến bà thường xuyên đau nhức chân, đêm phải kê cao chân mới ngủ được.

Bà H. từng làm nhân viên văn phòng hơn 30 năm. Trung bình mỗi ngày bà ngồi trên 10 giờ ở công sở, rất ít khi đứng dậy do đặc thù công việc phải tiếp nhiều khách hàng. Bà cũng không có thời gian tập thể dục hàng ngày.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Chí Hiếu, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực lý giải, không tập thể dục thường xuyên cùng với đặc thù công việc phải ngồi hoặc đứng trong thời gian dài sẽ làm tăng áp lực trong tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch giãn không hồi phục do ứ máu.

Giãn tĩnh mạch khiến tĩnh mạch bị suy nặng hơn. Bên cạnh đó, hiện tượng cục máu đông trong hệ tĩnh mạch sâu ở chân cũng là nguyên nhân làm nặng thêm tình trạng suy van tĩnh mạch mạn tính.

Bà H. được chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chi dưới độ 3, phải thực hiện thủ thuật để loại bỏ tĩnh mạch bệnh, định hướng dòng máu đi lại theo các tĩnh mạch khỏe mạnh. Hai phương pháp phù hợp là đốt laser nội mạch và bơm keo tĩnh mạch Venaseal.

Trong đó, bơm keo tĩnh mạch là phương pháp được đánh giá cao vì không gây tổn thương dọc theo tĩnh mạch do đốt, ít đau hơn, không gây bỏng da. Người bệnh không bắt buộc mang vớ tĩnh mạch vùng đùi liên tục sau mổ và thời gian thực hiện thủ thuật nhanh chóng.

Nhân viên văn phòng, tiếp viên hàng không hãy cảnh giác căn bệnh hiểm này - 1

Các bác sĩ bơm keo sinh học cho bệnh nhân suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính (Ảnh: BV).

Trong vòng 1 giờ dưới hướng dẫn của siêu âm, các bác sĩ đã thực hiện thành công thủ thuật có tiền mê nhẹ, giúp bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn trong suốt quá trình điều trị mà không hề đau đớn.

Sau thủ thuật vài giờ, người phụ nữ đi lại bình thường, không đau, chân hết sưng phù, xuất viện ngay trong ngày.

Bà được hướng dẫn mang vớ tĩnh mạch kết hợp thay đổi lối sống (không đứng/ngồi một chỗ quá lâu, kê cao chân khi ngủ, tập thể dục đều đặn, tránh béo phì…) để ngừa bệnh tái phát.

Theo các bác sĩ, bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới diễn tiến âm thầm, có thể dẫn đến biến chứng huyết khối tĩnh mạch nông và sâu làm đau, phù nề hai chi dưới. Nếu không được điều trị sớm, suy giãn tĩnh mạch sẽ gây chảy máu, loét chân không lành… ảnh hưởng đến chất lượng sống người bệnh.

Thống kê cho thấy, cứ 20 người trưởng thành thì có 1 người bị suy tĩnh mạch chi dưới. Bệnh phổ biến ở nữ giới trên 50 tuổi, người thừa cân - béo phì, hút thuốc lá, phụ nữ mang thai hoặc đã mang thai nhiều lần, gia đình (cha mẹ, anh chị ruột) có tiền sử bị suy tĩnh mạch mạn tính.

Đặc biệt, người thường xuyên mang giày cao gót, người làm công việc phải đứng nhiều hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài như giáo viên, nhân viên văn phòng, thu ngân, tiếp viên hàng không… cũng tăng nguy cơ mắc bệnh này.

Suy tĩnh mạch chi dưới có thể được ngăn ngừa bằng cách không hút thuốc lá, tránh mặc các loại quần áo bó sát hay đeo thắt lưng quá chặt, không ngồi hoặc đứng quá lâu, hạn chế mang giày cao gót, có chế độ ăn uống thân thiện với trái tim (giảm muối, hạn chế thức ăn chiên rán và các loại thực phẩm chế biến sẵn, tăng cường trái cây, rau củ, chất béo tốt, các loại hạt…), tập thể dục thường xuyên, giữ cân nặng hợp lý.