Nhận biết sớm bệnh tay chân miệng

(Dân trí) - Chưa năm nào dịch tay chân miệng nóng như năm nay với hơn 20.000 ca mắc, 56 trường hợp tử vong. Đáng nói, dấu hiệu bệnh rất điển hình nhưng nhiều người vẫn nhầm với các bệnh có phát ban khác, nên không theo dõi chặt để kịp thời phát hiện biến chứng.

Vì thế, Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh tay chân miệng, áp dụng tại tất cả các cơ sở y tế và cũng hướng dẫn người dân tự theo dõi để phát hiện khi con có dấu hiệu nghi ngờ, kịp thời đưa bé đi khám bệnh và theo dõi nguy cơ biến chứng.

Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết, phân biệt bệnh tay chân miệng với các bệnh có biểu hiện loét miệng, các bệnh có phát ban da.

Bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Tại các tỉnh phía Nam, bệnh có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.

Giai đoạn ủ bệnh tay chân miệng từ từ 3-7 ngày. Tiếp đến là giai đoạn khởi phát diễn ra từ 1 – 2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
 
Nhận biết sớm bệnh tay chân miệng - 1
Dấu hiệu điển hình của tay chân miệng là phát ban dạng phỏng nước ở trong miệng, trong lòng bàn tay, lòng bàn chân...

Sau đó đến giai đoạn toàn phát (có thể kéo dài 3-10 ngày) với các triệu chứng điển hình của bệnh:

- Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.

- Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.

- Ngoài ra trẻ vẫn có sốt nhẹ, nôn. Còn những trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.

Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.

Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, cũng có những trẻ mắc bệnh nhưng không có những dấu hiệu điển hình như trên. Theo đó, dấu hiệu phát ban không rõ ràng hoặc chỉ có loét miệng hoặc chỉ có triệu chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp mà không phát ban và loét miệng.

Các bệnh có biểu hiện loét miệng

Viêm loét miệng (áp-tơ) thì vết loét sâu, có dịch tiết, hay tái phát. Ngoài ra ở chân, tay không xuất hiện các nốt phỏng như bệnh tay chân miệng.

Các bệnh có phát ban da

Sốt phát ban biểu hiện là các ban màu hồng xen kẽ ít, dạng sẩn và bệnh nhân thường có hạch sau tai.

Với bệnh dị ứng, toàn thân trẻ nổi ban hồng đa dạng nhưng không có nốt phỏng nước điển hình như tay chân miệng.

Với bệnh viêm da mủ thì các ban đỏ và có mủ đục.

Với bệnh thuỷ đậu, dấu hiệu điển hình là xuất hiện phỏng nước rải rác toàn thân. Còn với tay chân miệng thì ban phỏng nước xuất hiện chủ yếu ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông.
 
Nhận biết sớm bệnh tay chân miệng - 2
Cũng là ban phỏng nước nhưng thủy đậu thì ban mọc rải rác toàn thân

Với bệnh nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu, người bệnh có biểu hiện xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử trung tâm.

Với sốt xuất huyết Dengue, biểu hiện là xuất hiện các chấm xuất huyết, bầm máu, xuất huyết niêm mạc.
 
Nhận biết sớm bệnh tay chân miệng - 3
Biểu hiện của sốt xuất huyết là các chấm xuất huyết bầm máu

Để phòng bệnh tay chân miệng, cần thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt). Đồ chơi, vật dụng trẻ hay cầm nắm của trẻ cần được thường xuyên rửa sạch với xà phòng, dung dịch diệt khuẩn, phơi khô. Lau sàn nhà mỗi ngày bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.

Còn khi phát hiện trẻ bị bệnh tay chân miệng cần đưa trẻ tới cơ sở y tế khám. Trong trường hợp được chỉ định theo dõi tại nhà, cần tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh.Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.H

Hồng Hải