Dễ tử vong vì lỗi chẩn đoán, điều trị tay chân miệng!
(Dân trí) - Đánh giá không đúng mức độ bệnh tay chân miệng của trẻ là một trong những “lỗi” trong chẩn đoán, điều trị khá thường gặp ở cả tuyến cơ sở và trung ương.
Chẩn đoán nhầm, bỏ qua bệnh vì trẻ không có các dấu hiệu điển hình của tay chân miệng là phỏng nước
Tại buổi tập huấn điều trị bệnh tay chân miệng cho bệnh viện các tỉnh phía Bắc diễn ra ngày 18/10 tại Hà Nội, các chuyên gia y tế đã cùng chỉ ra những khó khăn và cả những lỗi thường gặp ở cả tuyến cơ sở và trung ương trong quá trình chẩn đoán và điều trị căn bệnh có nguy cơ thành dịch này.
Theo các chuyên gia yếu tố khiến công tác chẩn đoán, điều trị gặp nhiều khó khăn là bệnh diễn tiến rất nhanh. Dấu hiệu sốc của tay chân miệng diễn tiến nhanh hơn hẳn sốc do các bệnh khác như sốt xuất huyết, sốc nhiễm trùng. Có thể chỉ trong vòng 15 phút, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng phù phổi cấp. Vì thế, ngay cả ở những bệnh viện tuyến đầu vẫn có thể chẩn đoán lâm sàng nhẹ hơn thực tế hoặc điều trị tích cực đúng phác đồ mà vẫn tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), cho biết: “Tại bệnh viện tuyến cuối, đã có trường hợp bác sĩ khám xác định tay chân miệng và phân độ lâm sàng bệnh nhân là độ 2a vì bệnh nhân có giật mình dưới 1 lần/30 phút, sốt trên 39 độ C, quấy khóc. Thế nhưng chỉ 5 phút sau khi được chuyển vào khoa điều trị, bệnh nhi đã ở độ 4 là mức nặng nhất của phân độ lâm sàng. Lúc ấy, bệnh nhi đã bị sốc, phù phổi cấp, tím tái…việc điều trị phải áp ngay theo phác đồ dành cho mức độ nặng nhất mà Bộ Y tế ban hành”.
Hay như với những ca mắc ở thể tối cấp (diễn tiến rất nhanh, chỉ từ 24 - 72 h là xuất hiện các triệu chứng nặng) do vi rút EV 71 gây ra, dù được nhập viện sớm, điều trị theo đúng phác đồ, vẫn có thể viêm cơ tim, phù phổi, suy tuần hoàn... Điểu hình như ca tử vong do tay chân miệng đầu tiên ở Hà Nội.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn do khách quan thì trình độ của nhân viên y tế cũng còn nhiều hạn chế. Cụ thể, là chẩn đoán nhầm những trường hợp sốt cao, khò khè, thở rít nhưng không có dấu hiệu điển hình của tay chân miệng sang các bệnh như viêm phế quản, viêm phổi…
Một lỗi khác được chỉ ra là tình trạng phân loại chưa đúng và chuyển viện ồ ạt từ tuyến dưới lên tuyến trên khi xác định trẻ bị tay chân miệng, bất kể nặng nhẹ. Điều này không chỉ gây quá tải bệnh viện tuyến trên do nhiều ca bệnh nhẹ mà còn cực nguy hiểm đối với những trường hợp bị biến chứng cơ tim, chỉ định là phải nằm điều trị tại chỗ. “Bệnh nhân tay chân miệng ở thể nặng thì biến chứng viêm cơ tim và phù phổi cấp là dấu hiệu khá thường gặp. Trường hợp bệnh nhân bị viêm cơ tim cần điều trị tại chỗ thì không được vận chuyển vì thay đổi tư thế có thể gây ngừng tim và tử vong”, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết.
Cuối cùng, một lỗi góp phần khiến số ca tử vong tăng thêm là khi bệnh nhân đã bị sốc do bệnh tay chân miệng thì việc truyền dịch quá nhanh là nguyên nhân gây phù phổi, phù não khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng.
“Thách thức cho ngành y tế là đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc-xin phòng bệnh nên các bác sĩ không được chủ quan, cần cập nhật phác đồ điều trị vì dịch sẽ còn diễn biến phức tạp”, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh.
Hồng Hải