1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì sao bộ Y tế kiên quyết không công bố dịch tay chân miệng?

(Dân trí) - Đã có 77.895 ca mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh thành trong cả nước, trong đó 137 trường hợp tử vong nhưng Bộ Y tế khẳng định “cả về lý thuyết lẫn thực tế, không có cơ sở để công bố dịch”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.

 
Vì sao bộ Y tế kiên quyết không công bố dịch tay chân miệng? - 1
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: H.Hải
 
Có dịch nhưng không đến mức phải công bố
 
Thưa Bộ trưởng, suốt thời gian qua, đã có quá nhiều tranh cãi của cả trong giới chuyên môn cũng như dư luận về việc tại sao Bộ Y tế không công bố dịch tay chân miệng. Xin Bộ trưởng nói rõ, vì sao đến nay Bộ Y tế vẫn kiên quyết không công bố dịch; các địa phương chưa công bố dịch? Có phải là dịch có đang trong tầm kiểm soát hay không?

Theo luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, chỉ công bố dịch khi có 2 tỉnh trở lên công bố dịch. Mà tỉnh công bố dịch tức là tỉnh đó không có khả năng phòng chống dịch bệnh. Nói thì là lý thuyết thôi, nhưng trong thực tiễn, chúng ta thấy, dịch sốt xuất huyết chúng ta đang có, dịch H5N1 chúng ta đang có, dịch tả trước chúng ta cũng có. Xung quanh chúng ta, các nước đang diễn ra dịch một dịch bệnh tay chân miệng nặng nề hơn chúng ta nhiều. Tỷ lệ chết vì bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là 3%, còn các nước xung quanh, tỷ lệ chết 10 - 30%, nhưng chưa nước nào công bố bệnh tay chân miệng.

Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 77.895 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh thành trong cả nước, đã có 137 trường hợp tử vong tại 27 tỉnh, thành phố.
 
Các trường hợp mắc và tử vong do tay chân miệng tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam chiếm 65,1% số mắc và 89,1% tử vong của cả nước.
 
Tuy nhiên từ tuần 29 đến nay, số ca mắc tại các tỉnh miền Nam có xu hướng giảm dần, trong khi đó số ca mắc ở miền Bắc có xu hướng tăng.
 
Các tỉnh miền Bắc có số mắc cao chủ yếu tại Thanh Hóa, Phú Thọ, Hòa Nội… Không có ổ dịch lớn tại cộng đồng, trường học, nhà trẻ.
Tôi khẳng định, ở Việt Nam đang có bệnh tay chân miệng  và chúng ta cũng chưa có một câu công bố dịch nào cả. Vì sao? Vì khi chúng ta công bố dịch có nghĩa đó là tình trạng khẩn cấp của quốc gia, mọi ban ngành, lực lượng của xã hội đều phải vào cuộc.

Với tay chân miệng, hiện tại chúng ta có phải công bố dịch không? Với một dịch bệnh chủ yếu rơi vào địa phương miền Nam, là bệnh lưu hành trong mấy năm nay, chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi, có đỉnh cao dịch (tức là chắc chắn sẽ giảm 1 thời gian sau đó)… tự dưng chúng ta đi công bố dịch thì về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn không phù hợp. Mỗi một sinh mạng mất đi là đau đớn với chúng tôi vô cùng, vì thế, Thủ tướng phải ra công điện, Bộ trưởng ra chỉ thị, 9 đoàn đi kiểm tra khắp cả nước, truyền thông… Vì thế, ở thời điểm này, dịch thì đang có nhưng đến đến mức công bố của một đơn vị hành chính là tỉnh hay của một quốc gia lại là một vấn đề khác. Công bố dịch, tất cả mọi người nước ngoài vào VN đều phải lấy mẫu phân xét nghiệm vì căn bệnh này lây qua đường tiêu hóa.

Chỉ với những dịch bệnh lây lan trực tiếp như dịch cúm A/H1N1 mới phải công bố. Một cái hắt hơi có thể lây cho cả cộng đồng hàng trăm người, có thể gây ra hàng triệu người một lúc ở mọi đối tượng và có khả năng lan rộng ra tất cả các quốc gia lục địa. Hay như dịch cúm A/H5N1 rất nguy hiểm, chỉ từ một cái hắt hơi của một người đàn ông ở Hồng Kông đã khiến 9 người ở tầng đó đều tử vong. Nhưng người ta cũng không công bố dịch vì nó không lây lan trực tiếp mà qua tác nhân là gà, chim.

Vậy Bộ trưởng nhận định tình hình dịch tay chân miệng trong thời gian tới sẽ như thế nào?

Dịch tay chân miệng ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tháng tới, gia tăng số mắc, tử vong vì những nguyên nhân sau:

Bệnh do vi-rút đường ruột, lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp. Có nhiều tuýp vi-rút gây bệnh, đối tượng cảm nhiễm lớn. Tỷ lệ người lành mang trùng cao, điều kiện giao lưu thuận lợi tạo điều kiện cho việc lây truyền bệnh. Không có vắc-xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu, tỷ lệ vi-rút EV 71 lưu hành cao trong cộng đồng. Tỷ lệ người chăm sóc trẻ áp dụng biện pháp rửa tay phòng bệnh còn thấp. Ngoài ra, một phần là do truyền thông chưa được trúng đích. Ví như truyền thông chủ yếu vào khử trùng môi trường bằng Cloramin B mà chưa chú ý tập trung vào rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi cho trẻ ăn và vệ sinh.
 
Chỉ một thông điệp - rửa tay xà phòng

Bộ trưởng cho rằng, việc truyền thông chưa đúng đích, thông điệp truyền thông chưa chính xác, vậy theo Bộ trưởng, trách nhiệm trong việc này thuộc về ai?

Mạng lưới truyền thông Bộ Y tế đã gửi trên website, gửi tới tận nơi các thông điệp chính xác, quan trọng nhất là rửa tay xà phòng, nhưng trong quá trình truyền thông, tôi không hiểu sao truyền thông đại chúng lại chỉ đề cập nhiều đến khử khuẩn bằng cloramin B mà quên rửa tay bàng xà phòng.

Vậy trong thời gian tới, biện pháp truyền thông mà Bộ Y tế hướng tới là gì, thưa Bộ trưởng?Và việc tuyên truyền này sẽ tập trung vào những nội dung, thông điệp gì?

Hiện chúng tôi cho rằng, việc truyền thông trực tiếp là hiệu quả nhất. Cán bộ y tế sẽ đến tận nhà gặp người mẹ có con nhỏ, những người chăm sóc con nhỏ để tuyên truyền, hướng dẫn họ sẽ rất hiệu quả. Tuy nhiên, việc này chưa làm được nhiều vì thiếu kinh phí. Vừa rồi, TP Hồ Chí Minh làm được cái, giảm các ca mắc ngay.
 
Vì sao bộ Y tế kiên quyết không công bố dịch tay chân miệng? - 2
Rửa tay xà phòng là biện pháp hiệu quả phòng bệnh tay chân miệng bởi căn bệnh này lây qua đường phân, miệng. Ảnh: H. Hải

Tiếp đến là truyền thông đại chúng. Chúng tôi nới với giới truyền thông, xin nhà báo truyền thông cho chúng tôi mỗi biện pháp rửa tay bằng xà phòng. Từ đó, truyền thông tăng lên nhiều. Nhưng giới truyền thông vẫn đang tập trung nhiều về các ca bệnh, mà chưa tập trung nhiều cho việc phòng bệnh. Hôm tôi đi Đồng Nai, tôi bảo vào trong nhà vệ sinh với tôi, quay cho tôi chỗ mà em bé đi vệ sinh ấy, xong ngay sau đó là phải rửa nước cloramin B, rửa tay xà bông cho cháu… nhưng khi lên hình, thì lại không có những hình ảnh đó, chỉ có hình ảnh tôi vào bệnh viện thăm bệnh nhi.

Thông điệp chúng tôi chuyển đến người dân rất đơn giản, là đề nghị người dân rửa tay trước và sau ăn, sau khi đi vệ sinh vì đây là bệnh lây qua đường phân - miệng. Mọi người phải biết rằng mỗi quả đấm cửa, mỗi tay vịn cầu thang đầy vi rút, vi khuẩn. Tay bố mẹ vừa tiếp xúc đó, lại bóc ngay kẹo bánh cho con ăn, đương nhiên là lây bệnh. Vì thế, một điều đơn giản nhất, chỉ mong các bà mẹ hãy đảm bảo vệ sinh cho con mình bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng… và các dụng cụ đồ chơi, khăn tã lót, quần áo của trẻ đều phải giặt bằng xà bông, nền nhà được tiệt trùng sạch sẽ. Không có nguồn lây, trẻ sẽ không bị tay chân miệng. Mà để cắt đứt nguồn lây, cần có một bàn tay sạch.

Hồng Hải (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm