1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dịch bệnh tay chân miệng: Áp lực đang dồn về thành phố

Các ca bệnh tay chân miệng (TCM) từ các tỉnh đang dồn về những TP lớn, khiến các nơi này có nguy cơ trở thành những ổ dịch.

Bệnh nhân từ tỉnh chiếm 80-90%

 
Dịch bệnh tay chân miệng: Áp lực đang dồn về thành phố - 1

Bệnh nhi TCM các tỉnh dồn về quá đông khiến khoa Nhiễm - BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) luôn quá tải
 

Mặc dù tổng số ca mắc bệnh TCM tại TPHCM có chựng lại so với những tháng cao điểm (từ tháng 8 trở về trước), nhưng lượng bệnh nhi TCM điều trị nội trú tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM) không hề giảm. Khoa Nhiễm của BV này vẫn quá tải như lúc cao điểm, với bình quân luôn có hơn 150 bệnh nhi TCM nằm viện. Nguyên nhân là do bệnh nhi từ các tỉnh đổ dồn về.

 

Theo bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1: “Những tuần qua, tình hình điều trị, chăm sóc bệnh TCM ở khoa vẫn “căng” như trước, có hôm bệnh nhi ở các tỉnh đổ dồn về quá nhiều, chiếm hơn 80%; riêng các ca nặng thì chiếm khoảng 90% trong số các ca nặng nằm viện”. “Các tỉnh có bệnh TCM chuyển lên nhiều gồm: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... Có hôm một xe ở Cà Mau lên chuyển theo 4-5 bệnh nhi cùng lúc”, BS Khanh nói. Còn tại khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) những ngày qua số trẻ mắc TCM nằm viện dao động từ 110 - 130 ca, trong đó bệnh nhi từ các tỉnh luôn chiếm từ 50 - 60% số trẻ nằm viện.  

 

“Một khi bệnh nhi tay chân miệng dồn về TP quá đông, các y, bác sĩ bệnh viện TP làm việc quá tải, điều đó dễ dẫn đến nguy cơ sai sót, mà sai sót có khi phải trả giá bằng mạng sống”, một BS của BV tuyến trên TPHCM

Theo các BS, sở dĩ bệnh nhi dồn về TP nhiều là do thời gian gần đây bệnh TCM tấn công nhiều tại các tỉnh, BV tuyến tỉnh thiếu người, thiếu trang thiết bị điều trị các ca bệnh nặng, người nhà lo lắng tự chuyển lên...

 

Bên cạnh đó, còn có những trẻ mắc TCM nặng cần phải dùng đến thuốc trị là gammaglobuline, bình quân tốn khoảng 15-20 triệu đồng/bệnh nhi, có ca nặng lên đến 40-50 triệu đồng, nhưng bệnh nhi ở các tỉnh không được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả tiền sử dụng thuốc này, cho dù là trẻ dưới 6 tuổi. Vì thế, nhiều BV tuyến dưới chuyển bệnh nhi TCM lên TPHCM (trẻ dưới 6 tuổi ở TP.HCM thì được BHYT chi trả tiền thuốc gammaglobuline). Nhiều BS bức xúc: nếu BHYT không chi trả thì Nhà nước, cụ thể là UBND các địa phương phải xem xét chi trả cho trẻ, vì trẻ dưới 6 tuổi phải được miễn phí. Chi phí điều trị gammaglobuline quá cao, nếu các địa phương không hỗ trợ chi trả sẽ rất khó khăn cho các trẻ gia đình nghèo; chưa kể với những ca nặng, nếu chuyển đi sẽ nguy hiểm cho sức khỏe bệnh nhi. BS Trương Hữu Khanh cho biết, nếu trẻ mắc TCM từ độ 2B trở lên (cao nhất là độ 4) cần phải điều trị bằng gammaglobuline. Trong số bệnh nhi mắc TCM nhập BV Nhi đồng 1 có khoảng 10% cần dùng đến gammaglobuline.

 

Nguy cơ lây lan ra cộng đồng

 

Trước tình trạng lượng bệnh TCM các tỉnh dồn về TP quá đông, BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc TT Y tế dự phòng (TTYTDP) TPHCM cảnh báo: “So với lúc cao điểm, với hơn 500 ca mắc TCM/tuần, hiện TPHCM còn trên dưới 300 ca mắc/tuần. Tuy nhiên, TP đang bị áp lực do bệnh TCM từ các tỉnh đổ về rất đông. Điều này sẽ là nguy cơ làm lây lan trở lại bệnh TCM tại TP”.

 

Triệu chứng bệnh không còn điển hình

 

Các bác sĩ khuyến cáo, triệu chứng bệnh TCM gần đây có nhiều ca không thể hiện điển hình (rõ bệnh), nhưng diễn tiến nặng rất nhanh, các BS phòng mạch không chuyên dễ chẩn đoán nhầm, bỏ sót làm bệnh nguy hiểm thêm. Trẻ cần được tái khám ngay khi có dấu hiệu nặng: sốt cao, thở bất thường, quấy khóc liên tục, khó ngủ (trằn trọc, giật mình, hốt hoảng, chới với, ngủ gà), hoặc ngủ li bì; run giật tay chân, nôn ói nhiều. Với trẻ lớn hơn có thêm các biểu hiện: yếu chi, đi lại loạng choạng, yếu liệt tay chân, da nổi bông bong tróc. Ngay cả với trường hợp nhẹ cũng cần được theo dõi kỹ...

TS. BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc TTYTDP TPHCM phân tích sâu thêm: “Lo ngại của các BS về bệnh TCM lây lan, khiến TP là nơi hứng chịu ổ dịch là có cơ sở. Khi bệnh nhi từ các tỉnh đổ dồn về TP quá đông, sẽ có nguy cơ lây lan bệnh TCM từ BV ra cộng đồng; bệnh nhi ở khoa này lây cho khoa khác, người lớn và bệnh nhi cùng ăn uống ở căn-tin, đi nhà vệ sinh chung ở BV cũng dễ bị lây lan; người nhà bệnh nhi ở tỉnh lên, tạm trú, nghỉ ngơi tại nhà người thân ở TP cũng sẽ làm lây lan mầm bệnh ra cộng đồng”. Tuần trước, bệnh nhi N.K 28 tháng tuổi (nhà ở Q.11, TPHCM) ban đầu vào một BV nhi điều trị một bệnh khác, sau đó về bệnh trở nặng đưa lại vào BV thì được chẩn đoán mắc TCM, do bệnh quá nặng bé đã tử vong . Với ca này, có BS nghĩ đến không loại trừ yếu tố có thể bé bị lây lan mầm bệnh TCM ở lần vào viện trước đó.

 

Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (thuộc Bảo hiểm xã hội VN): Thuốc gammaglobuline trong danh mục được BHYT thanh toán, nhưng theo quy định của Bộ Y tế, thuốc chỉ sử dụng cho BV hạng 1 và BV hạng 2. Trong trường hợp xét thấy cần thiết, Bộ Y tế có thể xem xét ra một “cơ chế riêng” để BV chưa nằm trong hạng được sử dụng thuốc này cho bệnh nhi mắc TCM có chỉ định. Tuy nhiên, việc đưa ra “cơ chế riêng” này cần cân nhắc vì sử dụng thuốc còn liên quan đến năng lực chuyên môn, vì thuốc nào cũng có thể gây nên những phản ứng không mong muốn mà với thuốc tiêm truyền thì nguy cơ này càng cao hơn. Như vậy tốt nhất với trẻ TCM nặng nên được chuyển lên tuyến điều trị có năng lực chuyên môn phù hợp để đảm bảo cho trẻ được chữa trị trong điều kiện tốt nhất có thể.

 

Tuy nhiên, theo các BS, việc sử dụng thuốc gammaglobuline không có gì khó cả, ngành y tế cần linh động, điều chỉnh, tập huấn để các BV tuyến dưới có thể dùng nó khi cần thiết trong lúc dịch bệnh đang xảy ra nhiều. Vì, với những ca nặng, nếu BV tuyến dưới có khả năng, có thuốc men điều trị không phải chuyển trẻ đi là rất có lợi cho sức khỏe bệnh nhi.  

 

Theo Thanh Tùng - Liên Châu

Thanh niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm