Nguy cơ dịch bạch hầu do tỉ lệ tiêm Quinvaxem giảm?

(Dân trí) - Khi có tai biến tiêm chủng, tỉ lệ tiêm vắc xin sẽ giảm mạnh, có nơi có lúc lên tới 40%. Trong khi đó đã có trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu tại Việt Nam và nguy cơ dịch đang rất gần. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ Trưởng ban Quản lý dự án TCMRvề vấn đề này.

 


GS.TS Đặng Đức Anh (thứ 2 từ trái sang)

GS.TS Đặng Đức Anh (thứ 2 từ trái sang)

Xin ông cho biết, sau một số trường hợp tử vong sau tiêm Quinvaxem, tỉ lệ tiêm chủng Quinvaxem đã giảm như thế nào? Và nếu những trẻ này không được tiêm phòng bất kỳ mũi nào khác để phòng bệnh bạch hầu (tiêm dịch vụ, ra nước ngoài tiêm...) thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ dịch bạch hầu như thế nào?

Theo báo cáo ban đầu, tỷ lệ tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib (Quinvaxem) tại một vài địa phương xảy ra trường hợp PƯSTC tháng 10 vừa qua giảm nhẹ.

Tại tất cả các địa phương khác, hoạt động tiêm chủng bao gồm tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib vẫn diễn ra bình thường.

Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin DPT-VGB-Hib trong năm 2013 giảm đã khiến cho các bệnh bạch hầu, ho gà có xu hướng quay trở lại.

Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ bệnh bạch hầu khi mà sau nhiều năm được khống chế tốt, số mắc bệnh hàng năm chỉ ghi nhận dưới 10 trường hợp, tuy nhiên chỉ trong 9 tháng đầu năm 2015 đã ghi nhận 9 trường hợp mắc, tăng so với cùng kỳ năm 2013 (2 ca) và 2014 (6 ca).

Không chỉ có số mắc bạch hầu tăng, số mắc ho gà 9 tháng năm 2015 cũng đã tăng cao so với cùng kỳ 2013 và 2014, số mắc tập trung tại các thành phố lớn. Có đến 99,2% số trường hợp mắc bệnh chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ. Sau nhiều năm không có trường hợp tử vong do bạch hầu và ho gà, Việt Nam ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do bạch hầu và ho gà.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bạch hầu tại các nước lân cận cho thấy nguy cơ căn bệnh này lây lan sang nước ta rất cao. Mặc dù đã có trang thiết bị điều trị hiện đại song bệnh bạch hầu vẫn có tỷ lệ tử vong cao ở cả người lớn và trẻ em.

Nếu trẻ không được tiêm chủng đúng lịch đầy đủ, trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao. Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh bạch hầu, ho gà bùng phát tương tự như vụ dịch sởi trong thời gian gần đây.

Có nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng vì sao không quay lại tiêm vắc xin tam liên dpt (bạch hầu - ho gà - uốn ván) như trước đây vì dường như tỉ lệ phản ứng sau tiêm do vắc xin này thấp hơn Quinvaxem rất nhiều. Vậy quan điểm của Ông về vấn đề này ra sao?

Vắc xin DPT là vắc xin có chứa thành phần vắc xin ho gà tương tự như ở vắc xin DPT-VGB-Hib. Tỷ lệ phản ứng sau tiêm đối với vắc xin có thành phần ho gà này của 2 vắc xin là tương tự nhau. Việc sử dụng vắc xin 5 trong 1 sẽ giúp trẻ được phòng thêm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phổ biến ở trẻ em là viêm phổi/ viêm màng não mủ do Hib và bệnh viêm gan B trong khi số mũi tiêm ít hơn.

Nếu tiêm vắc xin DPT như thời gian trước năm 2010 ở Việt Nam khi trẻ 2,3,4 tháng tuổi đến trạm y tế các cháu cùng lúc phải tiêm 2 mũi vắc xin là vắc xin DPT  và viêm gan B; trẻ lại không được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm phổi/biêm màng não mủ do Hib. Việc sử dụng vắc xin phối hợp nhiều thành phần là xu hướng chung của các nước để giảm bớt số mũi tiêm cho trẻ, giảm bớt thời gian đi lại của bố mẹ.

Thực tế triển khai việc sử dụng vắc xin DPT, so với sử dụng vắc xin phối hợp  có thành phần Ho gà giống nhau tỷ lệ phản ứng sau tiêm là tương tự, Do vậy sử dụng vắc xin DPT-VGB-Hib là cần thiết.


Vẫn có tỉ lệ nhỏ tai biến trong tiêm chủng, do vậy rất cần sự phối hợp giữa gia đình và cán bộ y tế

Vẫn có tỉ lệ nhỏ tai biến trong tiêm chủng, do vậy rất cần sự phối hợp giữa gia đình và cán bộ y tế

Có ý kiến cho rằng các tai biến tiêm chủng thường xảy ra ở các tỉnh, ở những nơi có cơ sở hạ tầng y tế và trình độ bác sĩ kém nên mới dẫn đến tử vong. Vậy điều này có đúng không thưa ông?

Vắc xin là loại sinh phẩm được kiểm tra nghiêm ngặt nhất về tính an toàn, tuy nhiên vẫn cần lưu ý với các bà mẹ, vắc xin cũng như thuốc, không có loại vắc xin nào là tuyệt đối an toàn.

Cán bộ tiêm chủng tại tất cả các tuyến đều được đào tạo, tập huấn những kiến thức thực hành về an toàn tiêm chủng và xử lý ban đầu đối với các trường hợp phản ứng sau tiêm. Tất cả các trạm y tế xã phường đều sẵn có thuốc xử trí sốc.

Như ông nói, mọi điểm tiêm chủng đều đảm bảo tiêu chuẩn, an toàn nhưng hiện có ý kiến cho rằng an toàn nhất là đến các điểm tiêm chủng lớn như bệnh viện và nên ở lại viện từ nửa ngày đến 1 ngày cho yên tâm. Ông nhận định gì về quan điểm này?

Như đã trao đổi trong câu hỏi trước, cán bộ y tế các tuyến trên cả nước đã được tập huấn và được cấp chứng chỉ về thực hành tiêm chủng và an toàn tiêm chủng. Trẻ em cần được dễ dàng tiếp cận với các điểm tiêm chủng gần nhất.

Thực tế triển khai công tác tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam tại các trạm y tế xã /phường từ 1985 đến nay với hàng trăm triệu mũi tiêm thì sự cố sau tiêm chủng chỉ là hãn hữu. Kết quả tiêm chủng an toàn tại hơn 11.000 điểm tiêm chủng trên toàn quốc đã giúp trẻ em phòng chống nhiều bệnh tật nguy hiểm, thanh toán và loại trừ một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Việc tiêm chủng tại bệnh viện chỉ dành cho những trẻ điều trị bệnh, trẻ mắc bệnh mạn tính nhưng cần được tiêm chủng để phòng chống các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm và phổ biến, trẻ trước khi ra viện cần được tiêm chủng.

Việc đưa trẻ khỏe mạnh đến các cơ sở có bệnh nhân điều trị sẽ khiến cho trẻ có nguy cơ nhiễm trùng các bệnh khác và không cần thiết.

Ngoài trách nhiệm của cán bộ y tế, phụ huynh có con trong độ tuổi tiêm chủng cần chú ý những gì để có thể đảm bảo an toàn cho con mình thưa ông?

Khi đưa trẻ đi tiêm chủng các bà mẹ cần phối hợp với cán bộ y tế, chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe của con mình như: đang ốm, sốt, sinh non, tiền sử dị ứng, có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước và đề nghị được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của con mình trước khi tiêm.

Tại tất cả các điểm tiêm chủng trước khi tiêm, các cán bộ y tế đều nghiêm túc thực hiện việc kiểm tra sức khỏe cho trẻ theo bảng hướng dẫn và đánh giá các chỉ số sức khỏe cụ thể của trẻ theo hướng dẫn của Bộ Y tế để đưa ra quyết định tiêm chủng cho trẻ.

Mỗi bàn tiêm chủng chỉ tiêm cho 50 trẻ trong 1 buổi tiêm chủng nên hoàn toàn có đủ thời gian để khám và tư vấn cho các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ.  Trong trường hợp chưa rõ, bà mẹ có thể hỏi lại cán bộ y tế để được tư vấn.

Việc theo dõi và chăm sóc trẻ ít nhất trong vòng 24 giờ sau tiêm là cần thiết. Bà mẹ cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để được theo dõi tình trạng sức khỏe, đặc biệt là sốc  phản vệ để con mình được xử trí kịp thời. Trong vòng 1 đến 2 ngày đầu sau tiêm chủng, gia đình cần tiếp tục theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe của trẻ tại nhà để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường

Sau tiêm chủng trẻ có thể có một số biểu hiện thông thường như sốt nhẹ (dưới 38,5oC), đau hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm, quấy khóc v..v. Các bà mẹ nên chú ý đến trẻ nhiều hơn và đưa trẻ tới cơ sở y tế nếu thấy các phản ứng kéo dài trên 1 ngày hoặc không yên tâm về tình trạng sức khỏe của con mình. Khi trẻ sốt cao các bà mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng phải có chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế. Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, bỏ bú, khó thở, tím tái ...các bà mẹ cần đưa NGAY trẻ tới cơ sở y tế để trẻ được thăm khám và xử trí.

Xin cảm ơn GS.TS Đặng Đức Anh!

Trần Phương (thực hiện)

Email: trantthuphuong@dantri.com.vn