Muôn cách "né" rủi ro của Quinvaxem

(Dân trí) - Phụ huynh có con nhỏ đang thực sự hoang mang khi dịch bạch hầu đan áp sát biên giới nước ta nhưng vắc xin dịch vụ không có, còn Quinvaxem lại dường như quá rủi ro. Nhiều phụ huynh đang cuống cuồng đi tìm phương án thay thế hay ít nhất là giảm thiểu được nguy cơ.

Từ chấp nhận giá “cắt cổ”…

Vắc xin dịch vụ bắt đầu có dấu hiệu khan hiếm từ đầu năm 2015 đến nay. Ban đầu, lượng vắc xin Infanrix Hexa 6 trong 1 (Bỉ), Pentaxim  5 trong 1 (Pháp) về Việt Nam về nhỏ giọt và cho đến nay thì theo Bộ trưởng Y tế là “muốn mua mà người ta không bán”.

Nhiều nguyên nhân được lý giải, như do nhu cầu tăng cao gấp 3-4 lần so với trước nên nhà sản xuất không cung cấp đủ; thay đổi nhà sản xuất…. và tình hình cung ứng vắc xin dịch vụ khó khăn không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn cầu.  Vậy là phụ huynh đã chấp nhận những mức giá “khủng” để con có được mũi tiêm này.

Một phụ huynh có con 1,5 tuổi (29 tuổi, ở Ba Đình) cho biết, ở thời điểm chị sinh con, vắc xin 5 trong 1 dịch vụ đã hiếm, nhưng nhờ mua gói vắc xin tại 1 bệnh viện 5 sao trị giá hơn 10 triệu đồng nên bé vẫn được tiêm đủ.

Tuy nhiên, đến tháng 9/2014, theo thông tin loan đi trên một diễn đàn lớn, bệnh viện này cũng đã tạm dừng gói vắc xin này vì không đủ vắc xin để cung cấp.  Còn hiện tại, trên website của bệnh viện chỉ còn 10 loại vắc xin và không có Quinvaxem hay Pentaxim, Infarix Hexa.

Trên thực tế, ở các điểm tiêm chủng dịch vụ cũng đã ngừng nhận đăng ký vắc xin 5 trong 1 dịch vụ từ nhiều tháng nay do không biết khi nào vắc xin về.

Và để có mũi tiêm tiếp theo, 1 số phụ huynh đã “vận dụng” tất cả các mối quan hệ để con họ được tiêm vắc xin này.

Như phụ huynh có con 7 tháng tuổi (27 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, nhờ mối quan hệ bắc cầu đặc biệt, chị đã mua được cho con 3 mũi Pentaxim với giá 3 triệu/mũi và đến mũi thứ 3, người tiêm còn “thu” thêm 500.000 với lý do vắc xin quá khó kiếm.

Nhưng mới đây, cũng vắc xin Pentaxim này, giá đã được đẩy lên đến 300 đô la Mỹ cho 1 mũi tiêm và người tiêm yêu cầu phải quyết nhanh, nếu không là không bảo đảm còn vắc xin.

Một lựa chọn khác được các bà mẹ quan tâm và đang phát triển nhanh là cho con ra nước ngoài tiêm chủng. Hiện một số phụ huynh đang truyền nhau những hướng dẫn chi tiết cho 1 chuyến đi đưa con ra nước ngoài tiêm chủng, từ việc chọn bệnh viện, đặt lịch tiêm trước 4 tuần, đến chi phí cho 1 mũi tiêm, đặt khách sạn….

Vừa đưa con đi tiêm chủng mũi 6 trong 1 ở Singapore về, chị N. K.A (25 tuổi, quận Đống Đa) cho biết, chi phí cho 1 mũi tiêm 6 trong 1 tại Sing là gần 300 đô la Sing (bao gồm cả tiền khám), tức khoảng 4.500.000 VNĐ cùng với vé máy bay khoảng 2-3 triệu đồng. “Chi phí cao nhưng yên tâm”, chị K.A cho biết.

Trước đó, con chị K.A đã được tiêm mũi 1 dịch vụ 5 trong 1 tại bệnh viện H.N nhưng đến mũi 2 thì bệnh viện từ chối vì hết vắc xin. Chị đi hỏi khắp các điểm tiêm dịch vụ đều nhận được câu trả lời là không còn vắc xin này.


Người tiêu dùng cần nắm vững kiến thức tiêm chủng để bảo vệ sự an toàn của chính con mình.

Người tiêu dùng cần nắm vững kiến thức tiêm chủng để bảo vệ sự an toàn của chính con mình.

… đến chọn lựa điểm tiêm Quivaxem

Những thông tin về dịch bạch hầu đang áp sát biên giới Việt Nam hẳn đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng.  Và sự lo lắng này là có cơ sở, khi từ năm 2013 tới nay đã ghi nhận số ca mắc ho gà, bạch hầu đang có dấu hiệu tăng lên, thậm chí xuất hiện cả trường hợp tử vong và 100% các ca này đều không tiêm chủng.

Trong khi đó, tại các điểm tiêm chủng ở địa bàn xảy ra tai biến sau tiêm Quinvaxem hiện đang giảm nhẹ. Còn trên các diễn đàn lớn, các ông bố bà mẹ đều lo lắng hỏi nhau cách bảo vệ con khỏi dịch bệnh hiệu quả nhất mà tránh được rủi ro tiêm phòng. Thậm chí, có người đã đặt vấn đề tìm các mũi vắc xin đã bị Quinvaxem thay thế như dtp (bạch hầu, ho gà, uốn ván) để tiêm.

Tuy nhiên, theo GS.TS Đặng Đức Anh, tỷ lệ phản ứng sau tiêm đối với vắc xin có thành phần ho gà này của 2 vắc xin là tương tự nhau. Việc sử dụng vắc xin 5 trong 1 sẽ giúp trẻ được phòng thêm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phổ biến ở trẻ em là viêm phổi/ viêm màng não mủ do Hib và bệnh viêm gan B trong khi số mũi tiêm ít hơn.

Vậy là với những phụ huynh không thể chờ vắc xin dịch vụ và cũng không có khả năng chi trả cho 1 chuyến đi nước ngoài cả chục triệu, họ đã chọn giải pháp bỏ công sức tìm hiểu thông tin, chọn địa điểm tiêm chủng và nán lại phòng sau tiêm Quivaxem lâu hơn quy định nhiều giờ.

Chị Đinh Phương Mai (36 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chị đã đưa con trai (2 tháng tuổi) đến điểm tiêm chủng của bệnh viện Nhi Trung ương và nán lại ở phòng sau tiêm tới 2 tiếng. Bởi theo chị, trong trường hợp bị sốc phản vệ thì với trang thiết bị đầy đủ và bác sĩ giỏi như ở bệnh viện sẽ có khả năng cao trong việc cứu được trẻ.

Còn anh Đ. V. T. ở Linh Đàm (Hà Nội) không đưa con tiêm ở phường mà lên thẳng TT Y tế dự phòng 70 Nguyễn Chí Thanh. Anh cho biết, đi xa hơn nhiều nhưng yên tâm vì tin tưởng vào trình độ của cán bộ y tế và cũng cho rằng thuốc ở đây sẽ được bảo quản tốt hơn.

Tuy nhiên, theo GS.TS Đức Anh, việc lựa chọn điểm tiêm là các bệnh viện là không cần thiết bởi cán bộ y tế ở hơn 11.000 điểm tiêm chủng trên khắp cả nước đều được tập huấn, được cấp chứng chỉ, được giám sát và tại các điểm tiêm chủng đều có đầy đủ thuốc chống sốc. Bằng chứng là mỗi năm đã có 4,5 triệu liều Quinvaxem được tiêm an toàn cho khoảng 1,5 triệu trẻ mỗi năm.

Sẽ có vắc xin 6 trong 1 vào năm 2016?

Theo một nguồn tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, việc thử nghiệm lâm sàng 1 loại vắc xin 6 trong 1 (đang lưu hành ở 80 quốc gia) khác với Infanrix Hexa tại Thái Bình hiện đã bước vào giai đoạn hoàn tất và hồ sơ sẽ được hoàn thiện để đăng ký lưu hành.

Loại vắc xin 6 trong 1 này sẽ có tác dụng phòng ngừa 6 bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uống ván, viêm gan B, bại liệt, Hib.

Trần Phương

Email: tranthuphuong@dantri.com.vn