1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dịch bạch hầu áp sát biên giới Việt: Tiêm vắc xin đơn để phòng bệnh?

(Dân trí) - Dịch bạch hầu tại Lào hoàn toàn có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam. Trong khi đó, năm 2015 Việt Nam cũng ghi nhận 2 ổ bạch hầu ở Quảng Nam, Gia Lai. Trước thực trạng này nhiều bạn đọc băn khoăn có thể tiêm mũi vắc xin đơn lẻ để phòng bạch hầu?

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trao đổi với Dân trí về những thắc mắc của bạn đọc về việc phòng nguy cơ mắc bệnh bạch hầu ở cả người lớn, trẻ em.


PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng. Ảnh: H.Hải

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng. Ảnh: H.Hải

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về nguy cơ dịch bạch hầu từ Lào xâm nhập Việt Nam. Tình hình dịch bạch hầu tại nước ta trong những năm qua như thế nào?

Ở thời điểm hiện tại, dịch bạch hầu tại Lào rất có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam do việc giao lưu, đi lại giữa Việt Nam và Lào là rất lớn. Hơn nữa đây là bệnh dễ lây truyền qua đường hô hấp, người chưa có miễn dịch với bệnh này (miễn dịch tự nhiên do đã từng mắc bệnh và miễn dịch chủ động do tiêm phòng) rất dễ mắc bệnh.

Trước đây bệnh bạch hầu lưu hành khá phổ biến. Tuy nhiên, từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình TCMR (đầu tiên là mũi DPT 3 trong 1 bạch hầu - ho gà - uốn ván và nay là mũi 5 trong 1 Quinvaxem phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi - viêm màng não do vi khuẩn Hib), bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh. Nơi xảy ra bệnh thường ở các khu vực vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Còn trong năm 2015 Việt Nam xác định 2 ổ dịch bạch hầu ở Quảng Nam và Gia Lai nhưng số mắc rất ít. Phần lớn người dân ở vùng khó khăn, không được tiêm chủng.

Như tại Quảng Nam trong tháng 6, tháng 7/2015 (ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) đã xảy ra dịch bạch hầu với nhiều người mắc. Khi các bệnh nhân đầu tiên xuất hiện triệu chứng sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó, viêm họng, 3 người tử vong khiến người dân nơi hoang mang, lo lắng về căn “bệnh lạ” lấy đi tính mạng người dân.

Vậy ông có khuyến cáo gì với người dân để phòng bệnh bạch hầu? Làm thế nào để xử lý triệt để một ổ dịch bạch hầu, giảm lây lan ra cộng đồng, thưa ông?

Dù có nguy cơ xâm nhập nhưng may mắn, cộng đồng có miễn dịch với bệnh bạch hầu ở nước ta khá lớn do được tiêm phòng. Tuy nhiên nếu người dân có giao du, sang Lào phải phải giữ vệ sinh cá nhân như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi có dấu hiệu nghi ngờ như đau họng cần đi khám bởi đau họng trong bạch hầu là giả mạc, chỉ đi khám cán bộ y tế mới phát hiện.

Tại một ổ dịch bạch hầu được xác định, bệnh nhân, người có nguy cơ được dùng kháng sinh để điều trị, dự phòng và ngành y tế sẽ tổ chức tiêm vắc xin TD (vắc xin bạch hầu - uốn ván) cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Như tại Quảng Nam, ngành y tế nhanh chóng tiến hành tiêm vắc xin cho gần 900 người dân và sau đó, dịch bệnh nhanh chóng được khống chế. Bởi khi cộng đồng được bảo vệ do đã có miễn dịch bạch hầu từ tiêm vắc xin thì số mắc sẽ giảm và dần tiến đến không có ca mắc mới.

Người dân có nhu cầu có thể tiêm vắc xin bạch hầu phòng bệnh hay không, thưa ông?

Tại Việt Nam không có mũi vắc xin đơn phòng bệnh bạch hầu, chỉ có vắc xin TD. Tuy nhiên vắc xin này chỉ được sử dụng trong chiến dịch khi có dịch bệnh chứ không tiêm phổ cập. Hơn nữa, do đối tượng tiêm của vắc xin TD chủ yếu là người lớn nên nhà sản xuất đã loại bỏ thành phần ho gà chỉ còn thành phần phòng bệnh uốn ván và bạch hầu.

Cũng xin nói rõ hơn, với bệnh bạch hầu có thể tồn tại người có miễn dịch tự nhiên (do đã mắc lúc nhỏ) hoặc ở dạng người lành mang trùng, có miễn dịch tự nhiên bởi trước kia bệnh bạch hầu phổ biến. Thực tế có những bác sĩ làm bệnh viện không mắc bạch hầu nhưng mang vi khuẩn này về lây cho con.

Còn hiện nay, dịch bạch hầu rất hiếm do tỉ lệ tiêm vắc xin càng cao lên thì những người có miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng càng giảm đi, vì thế phải tạo miễn dịch chủ động bằng tiêm phòng vắc xin.


Tiêm phòng cho trẻ em tại ổ dịch bạch hầu tại Quảng Nam

Tiêm phòng cho trẻ em tại ổ dịch bạch hầu tại Quảng Nam

Liên quan đến một số phản ứng sau tiêm Quinvaxem gần đây, nhiều người dân băn khoăn liệu họ có thể lựa chọn vắc xin TD hoặc vắc xin DPT 3 trong 1 (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván) thay thế cho Quinvaxem để giảm nguy cơ phản ứng? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Như tôi đã nói, hiện nay Việt Nam không tổ chức tiêm phổ biến vắc xin TD trong cả nước mà chỉ huy động cho chống dịch và chủ yếu là tiêm cho đối tượng người lớn. Còn với trẻ em, bệnh ho gà nguy hiểm không kém bệnh bạch hầu, uốn ván nên vắc xin TD không được chỉ định cho trẻ. Trước đó trẻ được tiêm vắc xin DPT và từ năm 2010 là vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem

Nói về nguy cơ phản ứng, bản chất của vắc xin DPT và Quinvaxem là như nhau bởi cả hai vắc xin này đều chứa thành phần ho gà toàn tế bào. Vì thế, không có sự khác biệt về nguy cơ phản ứng khi tiêm hai vắc xin này. Tuy nhiên khi tiêm vắc xin, chủ yếu là phản ứng nhẹ như nóng sốt, quấy khóc, sưng đau vết tiêm… còn phản ứng nặng là hi hữu, hiếm gặp. Trong khi đó, vắc xin Quinvaxem ngoài phòng 3 bệnh trên có thêm thành phần phòng bệnh viêm gan B, Hib. Xu hướng chung của thế giới hiện nay cũng hướng tới tiêm vắc xin đa giá càng nhiều càng tốt, giảm mũi tiêm mà phòng được nhiều bệnh cho trẻ.

Ông có khuyến cáo gì cho các bà mẹ phòng bệnh cho trẻ trong mùa đông xuân sắp đến?

Trong mùa đông xuân nhiều bệnh dễ lây truyền qua đường hô hấp có điều kiện phát triển. Vì thế, để phòng bệnh cho trẻ cần đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, luôn giữ vệ sinh bàn tay, thân thể sạch sẽ.

Với các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin thì cần cho trẻ tiêm vắc xin đúng lịch để phòng bệnh. Như ho gà, bạch hầu, hay sởi trong thời gian qua xảy ra dịch, đặc biệt ho gà gặp nhiều nhất ở Hà Nội, chủ yếu rơi vào nhóm trẻ tiêm phòng muộn, trì hoãn chưa tiêm phòng.

Bạch hầu, ho gà đều là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với trẻ. Vì thế, gia đình hãy đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phòng bệnh đúng lịch, đúng độ tuổi theo quy định của chương trình TCMR.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Hải (thực hiện)