Người đàn ông bị sốc phản vệ chỉ vì ăn lòng, tiết canh
(Dân trí) - Khoảng một giờ sau khi ăn lòng lợn, tiết canh, người đàn ông (51 tuổi, Hà Nội) bỗng dưng bị nổi mẩn đỏ toàn thân, tức ngực, khó thở. Ông được chẩn đoán bị sốc phản vệ độ II.
Theo bác sĩ Phòng khám Đa khoa Trung tâm, Trung tâm Y tế Sóc Sơn (Hà Nội), bệnh nhân nhập viện trong tình trạng toàn thân da mẩn đỏ, tức ngực, khó thở, huyết áp đo được 150/90mmHg, mạch nhanh 124 nhịp/phút, tần số thở 35 lần/ phút, chỉ số Sp02 là 92%. Khoảng 1 giờ trước, bệnh nhân đã ăn lòng lợn, tiết canh.
Trước đó, bệnh nhân khỏe mạnh, không có tiền sử dị ứng. Bệnh nhân được chẩn đoán bị sốc phản vệ độ II. Ngay lập tức, các y bác sĩ đã tiến hành cấp cứu xử trí phản vệ khẩn cấp theo phác đồ của Bộ Y tế.
"Sau 1 giờ được cấp cứu tích cực, bệnh nhân dần có tiến triển tốt, dấu hiệu mẩn đỏ trên da đã dịu lại, đỡ khó thở, tức ngực, các chỉ số sinh tồn như huyết áp, mạch, oxy trong máu được đưa về mức ổn định. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn. Sau 3 giờ, tình trạng bệnh nhân ổn định", ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó phụ trách Phòng khám Đa khoa Trung Tâm Y tế Sóc Sơn cho biết.
Sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng, gây tử vong nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Các triệu chứng xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc 30 phút sau khi dùng thuốc, thử test, bị ong đốt hoặc sau khi ăn một loại thức ăn lạ. Các đường đưa thuốc vào cơ thể như tĩnh mạch, tiêm bắp, dưới da, trong da, uống, xông, bôi ngoài da, nhỏ mắt, đặt âm đạo… đều có thể gây sốc phản vệ.
Có rất nhiều nguyên nhân gây sốc phản vệ, trong đó thuốc là nguyên nhân hàng đầu, tiếp đến là thức ăn, nọc côn trùng.
Theo các bác sĩ, sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như: ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm... người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.