Ngứa như điên vì nhiễm ký sinh trùng từ gỏi cá, hải sản sống

(Dân trí) - Một bệnh nhân có thói quen ăn gỏi cá sống, rau sống được xác định mắc chứng mề đay do nhiễm ký sinh trùng. Những đám ban nhỏ hình bán nguyệt khiến người bệnh ngứa như điên dại suốt 3 tháng qua, đi khám đủ mọi nơi cuối cùng được tìm ra do tác nhân từ... gỏi cá.

Chú ý “tác nhân” gỏi cá, hải sản sống

BS Bùi Văn Khánh (Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai) cho biết, khoảng 3 tháng nay bệnh nhân nam (30 tuổi, Hà Nội) xuất hiện ban đỏ hình lưỡi liềm hoặc hình tròn khuyết rải rác toàn thân, không nổi gồ trên bề mặt da, ấn kính lên thì mất màu và rất ngứa.

Trước đó, bệnh nhân đã khám tại nhiều nơi với chẩn đoán mày đay mạn tính và được điều trị bằng kháng histamine, tuy nhiên triệu chứng không cải thiện nên tiếp tục đi khám.
 
Ban mề đay hình bán nguyệt khiến người bệnh ngứa điên dại không thể kiểm soát tình trạng gãi ngứa.
Ban mề đay hình bán nguyệt khiến người bệnh ngứa điên dại không thể kiểm soát tình trạng gãi ngứa.

Tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, khi nhìn thấy những ban đỏ, các BS đã nghĩ ngay đến tình trạng dị ứng do nhiễm ký sinh trùng và kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ và giun đũa chó với hiệu giá kháng thể cao.

Sau 4 tuần điều trị bằng thuốc trị kí sinh trùng phối hợp với thuốc điều trị kiểm soát triệu chứng dị ứng, tình trạng bệnh nhân đã dần cải thiện và sẽ được tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để quyết định thời điểm ngưng thuốc.

Trước đó cũng tại Trung tâm dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, một bé trai 7 tuổi sống cùng gia đình ở vùng ven biển có thói quen ăn hải sản tươi sống cũng được xác định mề đay do nhiễm giun lươn và sau điều trị, tình trạng đã ổn.

“Cả gia đình người bệnh đều có thói quen ăn hải sản sống, người bệnh không có tiền sử dị ứng mà bỗng nhiên bé xuất hiện ngứa, nổi ban đỏ rải rác toàn thân nên chúng tôi đã cho làm xét nghiệm đánh giá tình trạng nhiễm kí sinh trùng và cho thấy dương tính với giun lươn hiệu quá cao”, BS Khánh nói.

Điều trị hiệu quả nếu tìm ra dị nguyên

Theo BS Khánh, tình trạng nổi ban mề đay đay khiến người bệnh rất ngứa ngáy, khó chịu và thường không thể kiềm chế việc gãi dẫn đến xuất hiện các tổn thương trên da. 

Có nhiều yếu tố dị nguyên gây nên tình trạng nổi mề đay, từ yếu tố thời tiết, lông xúc vật, côn trùng, nhiễm ký sinh trùng… và thường phải tìm ra dị nguyên, tránh xa nguyên nhân gây dị nguyên thì mới kiểm soát tốt nguy cơ nổi mề đay. Tuy nhiên các đám mề đay này có thể tự mọc rồi lại mất đi mà không phải dùng bất kỳ loại thuốc nào. Có khoảng 15-25% bệnh nhân xuất hiện mày đay ít nhất 1 lần trong cuộc đời.

Còn khi mề đay kéo dài trên 6 tuần thì được xác định là mề đay mạn tính. Tỉ lệ bệnh nhân tuy chiếm tỉ lệ rất nhỏ (1%) nhưng việc điều trị rất khó và phức tạp vì nguyên nhân khó xác định (do thuốc, do các bệnh ác tính như ung thư, do bệnh nội tiết như basedow, do bệnh hệ thống như lupus ban đỏ hệ thống, do nhiễm khuẩn, vi rút như viêm gan B, nhiễm vi khuẩn HP dạ dày, ký sinh trùng, do yếu tố cơ địa....).

“Về điều trị, bệnh nhân sẽ đáp ứng với điều trị rất tốt nếu tìm được nguyên nhân. Nếu không xác định được nguyên nhân, bệnh nhân sẽ được đánh giá và điều trị theo hướng dẫn điều trị của hội mày đay phù mạch Mỹ và Châu Âu. Thời gian điều trị trung bình để kiểm soát từ 3 tháng đến 6 tháng tuỳ từng bệnh nhân. 

Có nhiều xét nghiệm để xác định nguyên nhân tuỳ thuộc vào định hướng lâm sàng mà bác sỹ chỉ định xét nghiệm phù hợp. Tuy nhiên một sự thật là chúng ta vẫn còn hiểu rất ít về mày đay mạn tính vì có tới trên 50% bệnh nhân mày đay mạn tính chưa xác định được nguyên nhân”, BS Khánh nói.

Với những bệnh nhân mề đay do nhiễm kí sinh trùng này, họ cũng đã được điều trị thuốc chống dị ứng nhưng hiệu quả không cao. Khi dị nguyên được phát hiện, bệnh nhân được dùng thuốc tiêu diệt kí sinh trùng kết hợp thuốc kiểm soát dị ứng thì tình trạng đã dần cải thiện, tiến tới khỏi hoàn toàn.

“Khi xuất hiện tình trạng dị ứng nổi mề đay kéo dài không rõ nguyên nhân người bệnh nên đến cơ sở y tế có chuyên môn về dị ứng miễn dịch để khám và tìm dị nguyên để kiểm soát hiệu quả. Với những bệnh nhân bị mề đay mạn tính cần nghiêm túc thực hiện chế độ ăn chín uống sôi, đảm bảo an toàn thực phẩm tránh nhiễm các loại ký sinh trùng”, BS Khánh khuyến cáo.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm