1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ngành y đang gỡ khó như thế nào?

Tú Anh

(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế chưa được khắc phục triệt để. Bộ Y tế đang kiến nghị với Quốc hội để có giải pháp trước mắt cũng như lâu dài.

Ngành y đối mặt với nhiều khó khăn

Tại buổi tọa đàm "Ngành y vượt khó" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 23/2, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết ngành y đang đối mặt với nhiều khó khăn, từ  tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị đến chảy máu chất xám, quá tải ở các cơ sở y tế tuyến cuối...

Ngành y đang gỡ khó như thế nào? - 1

Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm Ngành y vượt khó (Ảnh: VGP).

Trong đó, tình trạng thiếu hóa chất, vật tư, trang thiết bị đang rất cấp thiết. Trên thực tế, nhiều bệnh viện tuyến cuối rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, phải chuyển bệnh nhân sang các cơ sở y tế khác...

Theo GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, thiếu hóa chất, vật tư ở các bệnh viện hiện nay là tình trạng "cấp cứu của cấp cứu".

Tại BV Hữu nghị Việt Đức, theo thống kê, có những xét nghiệm đơn giản như công thức máu chỉ còn một tuần nữa là không còn hóa chất để sử dụng nếu như sử dụng bình thường. BV Việt Đức đã họp rất nhiều lần, kể cả họp Đảng ủy, họp Hội đồng khoa học mở rộng tới tất cả trưởng, các bộ phận, đơn vị để tháo gỡ nhưng rất khó khăn.

Ngành y đang gỡ khó như thế nào? - 2

GS Giang đánh giá, tình trạng thiếu hóa chất, vật tư là "cấp cứu của cấp cứu", Bệnh viện Việt Đức chỉ cầm cự được một thời gian nữa, phải hạn chế mổ phiên, ưu tiên cấp cứu (Ảnh: VGP).

Hay vật tư tiêu hao dành cho mổ xẻ, theo thống kê của BV Việt Đức, cũng chỉ trong vòng một tháng nữa sẽ hết. Theo quy định của luật pháp, việc mua các vật tư tiêu hao phải đảm bảo các vật tư đó được phép lưu hành trên thị trường và có giấy phép. Hầu hết giấy phép cho các vật tư tiêu hao hiện nay chưa được cấp, chưa được gia hạn nên chúng ta không thể mua được dù chúng ta đấu thầu hay mua.

Ngành y đang gỡ khó như thế nào? - 3

PGS Cơ cho biết, mỗi ngày có 6.000 bệnh nhân đến khám ngoại trú, bệnh viện đối mặt với tình trạng thiếu trang thiết bị, máy móc (Ảnh: VGP).

Tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện cho biết, thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh Bệnh viện đang thiếu trầm trọng. Hầu hết các thiết bị của BV Bạch Mai 10 năm qua thực hiện liên doanh liên kết.

Ngành y đang gỡ khó như thế nào? - 4

Hệ thống dao Gamma tại BV Bạch Mai mỗi năm thực hiện 2.000 ca can thiệp, đặc biệt với bệnh nhân u não, nay đang đắp chiếu, trong khi bệnh nhân không có máy dùng (Ảnh: H.Hải).

Khi hết hợp đồng, các Thông tư về liên doanh, liên kết cũng đã hết hiệu lực và chúng ta đang chờ các Thông tư mới, quy định mới nên hiện tại không thể tái ký hợp đồng cũng như không thể ký các hợp đồng mới được. Việc đầu tư, mua sắm các thiết bị mới thì Bệnh viện không có nguồn ngân sách nào. Do vậy chúng tôi đang đề xuất khẩn cấp với Bộ Y tế và Chính phủ đầu tư một nguồn ngân sách của Chính phủ để Bệnh viện sớm có các thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh khẩn cấp cho người bệnh.

Đang gỡ khó

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đến nay, tình trạng thiếu hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế ở một số cơ sở y tế trên toàn quốc chưa được khắc phục một cách triệt để. Rồi số lượng hồ sơ đăng ký cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cũng như trang thiết bị của chúng ta còn tồn đọng lớn và chưa được giải quyết. "Chúng tôi đang phải đề nghị với Quốc hội để có giải pháp giải quyết trước mắt cũng như định hướng lâu dài để giải quyết nội dung này", Thứ trưởng nói.

Ngành y đang gỡ khó như thế nào? - 5

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (Ảnh: VGP).

Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin thêm, hiện Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành có liên quan rà soát lại tất cả các văn bản liên quan để hoàn thiện thể chế trước mắt về nội dung này.

Theo Thứ trưởng, Nghị quyết 80 của Quốc hội là Nghị quyết hết sức quan trọng và đã giải quyết được căn cơ, trước mắt vấn đề cung ứng thuốc trong các cơ sở điều trị. Nghị quyết 80 cho phép gia hạn đăng ký tuổi thuốc đến hết năm 2024. Trong khoảng thời gian này, Bộ Y tế đã yêu cầu Cục Quản lý dược rà soát và ban hành các danh mục thuốc đảm bảo theo đúng quy định của Nghị quyết 80 của Quốc hội. Trước mắt, Cục Quản lý dược đã ban hành đợt 1 gần 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc.

Vấn đề về trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 98 của Chính phủ và đang trình Chính phủ xem xét ban hành. "Khi Nghị định sửa đổi Nghị định 98 được ban hành, tôi cho rằng cũng giải quyết được căn cơ nội dung liên quan đến việc cung ứng trang thiết bị vật tư y tế như Giám đốc Bệnh viện Việt Đức vừa có ý kiến", Thứ trưởng nói.

Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 146 của Chính phủ về việc thực hiện Luật Bảo hiểm y tế. Cùng với đó, Bộ Y tế cùng với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT đã rà soát và ban hành các văn bản có liên quan đến đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị. Đặc biệt, Bộ Y tế đã ban hành gần 50 thông tư hướng dẫn sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến mua thuốc, trang thiết bị và nội dung khác có liên quan để đảm bảo việc cung ứng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị trong giai đoạn hiện nay.

Về vấn đề củng cố nhân lực ngành y tế, vừa rồi Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56 của Chính phủ thực hiện Kết luận 25 của Bộ Chính trị, đó là đưa phụ cấp nghề đối với y tế cơ sở và y tế dự phòng từ 40%, 70% lên 100%.

Về Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2024, GS Giang đánh giá, trong nội dung có rất nhiều điểm thay đổi để có thể hướng tới hoạt động của các cơ sở y tế được tốt hơn, thông thoáng hơn, phục vụ tốt việc chăm sóc người bệnh.

"Thời gian còn lại thì ngắn, chúng ta chỉ còn chưa đến 10 tháng để có thể ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật để thực hiện Luật Khám chữa bệnh này. Tôi rất mong có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền, trong đó Bộ Y tế là cơ quan chủ đạo, cùng các bộ, ngành khác để ban hành các văn bản, nghị định, thông tư để từ 1/1/2024, Luật sẽ đi vào cuộc sống, từ đó, giúp các thầy thuốc, nhân viên y tế và cơ sở y tế trong toàn quốc có hành lang pháp lý chuẩn mực để có thể thực hiện nhiệm vụ của mình", GS Giang đề nghị.

PGS.TS Đào Xuân Cơ bày tỏ mong muốn có những quy định về giá khám chữa bệnh tại các đơn vị sự nghiệp công lập. "Hiện tại đối với khám bệnh theo yêu cầu mỗi nơi thực hiện một giá. Tôi nghĩ những thông tư này có thể xây dựng sớm hơn và xin ý kiến các bộ, ngành, Chính phủ để ban hành sớm hơn, giúp các bệnh viện công lập có cơ sở pháp quy để thực hiện đúng luật", ông Cơ nói.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, sau khi Luật được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2024, Bộ Y tế đã và đang tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan để tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản cụ thể hóa Luật. Đồng thời, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch ban hành các thông tư hướng dẫn đồng bộ với Luật, với Nghị định của Chính phủ.