Vụ thiếu thiết bị y tế: Bệnh viện có thể bị "sờ gáy" khi quy định chưa rõ

Hoàng Lê

(Dân trí) - "Sau này có thể cơ quan hậu kiểm sẽ hỏi tại sao chỗ này mua máy 10 đồng mà Bệnh viện Chợ Rẫy xây dựng giá 15 đồng", Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ nỗi lo với Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Ngày 25/2, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và ông Lê Đức Luận, Thứ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn công tác đến thăm, chúc mừng Bệnh viện Chợ Rẫy, nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2).

Tại buổi gặp, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã thẳng thắn phản ánh hàng loạt khó khăn, vướng mắc về mua sắm, thiếu thiết bị y tế mà nơi này đang gặp phải.

Vụ thiếu thiết bị y tế: Bệnh viện có thể bị sờ gáy khi quy định chưa rõ - 1

TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh: BV).

Theo ông, "giá gói thầu" là thứ khó khăn nhất mà Bệnh viện Chợ Rẫy đối mặt, khi Thông tư 68 của Bộ Tài chính quy định việc mua sắm phải tham khảo từ 3 bảng báo giá. Điều này gần như không thể thực hiện được, dù có là Bệnh viện Chợ Rẫy hay Bệnh viện Bạch Mai. Ông Thức thống kê, chỉ có khoảng 20-40% vật tư y tế có đủ 3 báo giá.

Dù thông tư cũng đưa ra các giải pháp xử lý với sản phẩm không có đủ 3 báo giá, nhưng thực tế, các biện pháp này rất khó triển khai.

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy dẫn chứng, trên thị trường có hàng trăm loại máy CT với nhiều độ phân giải, nhiều chức năng khác nhau. Mỗi bệnh viện, mỗi tuyến lại mua máy có chức năng và đặc thù riêng biệt theo nhu cầu, nhưng chỉ có một đơn vị kê khai giá thì không thể đáp ứng quy định.

Vụ thiếu thiết bị y tế: Bệnh viện có thể bị sờ gáy khi quy định chưa rõ - 2

Bệnh nhân chờ chụp CT tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh: BV).

Tương tự, máy siêu âm, thậm chí gói thầu đặt stent mạch vành cũng trong tình trạng không đủ 3 báo giá. Bệnh viện có nguy cơ chỉ có thể đặt stent với những bệnh nhân cấp cứu, còn các trường hợp đặt chương trình sẽ phải chờ. Trong khi đó, đây đều là các bệnh nhân nặng.

"Sau này có thể các cơ quan hậu kiểm sẽ hỏi tại sao chỗ này mua máy siêu âm 10 đồng mà Bệnh viện Chợ Rẫy xây dựng giá máy 15 đồng", bác sĩ Nguyễn Tri Thức chia sẻ nỗi lo và cho rằng bệnh viện có thể bị "sờ gáy" khi quy định vẫn còn chưa rõ ràng.

Đó là chưa kể, hiện tại vẫn không có cơ quan nào kiểm định giá kê khai có chính xác hay không, dẫn đến tình trạng giá kê khai bị đẩy lên cao hơn rất nhiều so với giá bán thực tế. Từ đó, bệnh viện gặp rất nhiều rủi ro khi xây dựng giá mua sắm đấu thầu. Bác sĩ Thức khẳng định, đây là khó khăn chung của cả ngành.

Từ tình hình trên, ông Thức đề xuất Bộ Y tế cho phép bệnh viện hạng đặc biệt được lựa chọn thương hiệu trong mua sắm vật tư y tế, vì những tuyến này có bệnh nhân nặng đặc thù, rất cần những máy móc trang thiết bị điều trị hiện đại (mà đa số sẽ độc quyền).

Nếu không, cơ quan quản lý Nhà nước có thể tự định giá để bệnh viện tự mua theo giá đã cho phép công khai và lựa chọn thương hiệu.

Ngoài ra, bác sĩ Thức đề nghị có thể giao trung tâm đấu thầu quốc gia lo việc đấu thầu giá hóa chất, để bệnh viện sử dụng giá đó cho các máy đặt máy mượn của các nhà sản xuất, thay vì tự đấu thầu.

Vụ thiếu thiết bị y tế: Bệnh viện có thể bị sờ gáy khi quy định chưa rõ - 3

Thiếu thốn trang thiết bị y tế khiến việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân bị ảnh hưởng (Ảnh: GL).

Ông Lê Đức Luận, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đã nhận được văn bản kiến nghị của Bệnh viện Chợ Rẫy trong công tác mua sắm vật tư y tế. Ông chia sẻ, trước đây với các sản phẩm chỉ có một báo giá sẽ có doanh nghiệp thẩm định giá. Nhưng giờ doanh nghiệp e dè, không dám hoạt động.

Với cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ thẩm định giá cũng rất chậm và không có thông tin đầy đủ. Ngoài ra, có nhiều trang thiết bị y tế đặc thù, nên không có nhiều báo giá. Song song đó, mục tiêu chính sách của Nhà nước là hướng đến sự tiết kiệm, cạnh tranh, mang lại hiệu quả nên phải tiến hành chặt chẽ. Ông nhìn nhận, có nhiều khía cạnh khiến chính sách còn bộc lộ sự hạn chế.

Với máy mượn, máy đặt, ông Luận cho biết Chính phủ đã ra Nghị quyết 144 để tháo gỡ những khó khăn, đảm bảo về thuốc, trang thiết bị hoạt động, nhưng chỉ có thời hạn trong một năm. Do đó, Bộ Y tế sẽ tham mưu Chính phủ cho phép kéo dài nghị quyết trên cho đến khi có nghị quyết mới.

"Với các máy mượn, máy đặt hết hạn giữa chừng nhưng bệnh viện không dám gia hạn, chúng tôi sẽ đề nghị để tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện cho đến khi có hướng dẫn mới", ông Luận khẳng định.