Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ có 2 máy CT cầm cự, 4.000 bệnh nhân chịu khổ mỗi ngày

Hoàng Lê

(Dân trí) - Việc nhiều máy CT tiền tỷ "đóng băng", khiến 4.000 bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy phải chuyền sang nơi khác chụp chiếu mỗi ngày. Các bệnh nhân cần xạ trị ung thư, siêu âm cũng trong cảnh tương tự.

Thông tin trên được đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM (bệnh viện hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế) cho biết, trong bối cảnh nơi này đã gửi công văn đến Bộ Y tế về việc đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 144 của Chính Phủ, cũng như báo cáo những khó khăn vướng mắc trong công tác mua sắm vật tư, thiết bị y tế tại nơi này thời gian qua.

Theo đó, Bệnh viện Chợ Rẫy có 5 máy chụp cắt lớp vi tính (CT scanner) tiền tỷ, nhưng hiện nay 3 máy đã ngưng hoạt động vì hư hỏng nhưng không thể sửa chữa, do vướng cơ chế trong quy định đấu thầu.

Hậu quả của tình trạng này khiến 4.000 lượt bệnh nhân mỗi ngày phải chuyển sang một bệnh viện chuyên khoa Ngoại thần kinh tại quận Tân Phú thực hiện chụp chiếu. Các nhân viên y tế bệnh viện phải làm việc hết công sức nhưng chỉ tiếp nhận được khoảng 2.000 lượt/ngày.

Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ có 2 máy CT cầm cự, 4.000 bệnh nhân chịu khổ mỗi ngày - 1

Máy móc hư hỏng khiến các bác sĩ cũng "lực bất tòng tâm" để phục vụ bệnh nhân (Ảnh: CTV).

Theo ghi nhận, phòng chụp CT được đặt ngay phía sau Khoa Cấp cứu để thuận tiện cho người bệnh. Nhưng thực tế máy CT này đã hỏng từ lâu.

Để "chữa cháy", nhân viên y tế sẽ đẩy bệnh nhân đến Trung tâm ung bướu có máy chụp CT, cách Khoa Cấp cứu khá xa. Vì thiếu thốn thiết bị, bệnh nhân phải chầu chực, xếp hàng dài để chờ đến lượt chụp chiếu.

Với hệ thống máy xạ trị gia tốc có giá trị hơn 30 tỷ đồng, bác sĩ Nguyễn Văn Đô, Trưởng khoa Xạ trị của bệnh viện cho biết, từ 4 thiết bị ban đầu, từ quý 2/2022, Bệnh viện Chợ Rẫy đến nay chỉ còn 2 máy hoạt động, cũng vì lý do máy cần sửa chữa, bảo trì nhưng "bất lực". Số bệnh nhân ung thư được phục vụ điều trị cũng giảm còn 2/3 so với trước đây.

Hiện tại, có 100 trường hợp mòn mỏi chờ đợi xạ trị, được bác sĩ thông báo thời gian dự kiến khoảng vài tuần. Để khắc phục, ngoài việc tăng giờ làm tối đa, bệnh nhân sẽ được hội chẩn để nếu có thể thì chuyển sang hóa trị.

Tình cảnh "chưa từng có" này khiến nhiều bệnh nhân lo lắng sẽ ảnh hưởng nặng đến sức khỏe.

Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ có 2 máy CT cầm cự, 4.000 bệnh nhân chịu khổ mỗi ngày - 2

Máy chụp CT đã cũ kỹ, hư hỏng nhưng không thể sửa chữa (Ảnh: CTV).

Anh B. (44 tuổi), nhà cách TPHCM 300km nhưng cứ trong cảnh thấp thỏm, mong mỏi được bệnh viện gọi lên xạ trị ung thư vòm mũi sớm. Lần gần nhất, anh phải bắt xe ở quê lên, đợi từ sáng sớm đến gần nửa đêm mới đến lượt xạ. Nếu tình cảnh này cứ kéo dài, bệnh nhân không biết có thể cầm cự đến lúc nào.

Còn chị L., quê ở một tỉnh miền Tây cũng bất đắc dĩ phải thuê trọ ở lại, khi lên đến TPHCM mới bất ngờ nhận được thông báo phải chờ 3 ngày để người nhà được chụp CT, vì hết máy. Chồng chị mắc ung thư, tính mạng đang bị đe dọa, nên dù bất tiện thế nào, họ phải cố gắng chịu để bác sĩ xác định được tình trạng cụ thể mà có hướng điều trị tốt nhất.

Về kỹ thuật chụp chiếu phổ biến nhất là siêu âm cũng không khá khẩm hơn là bao. Bệnh viện Chợ Rẫy hiện có 35 máy siêu âm, nhưng gần 1/3 (10 máy) đã "đắp chiếu". Hầu hết các máy này có tuổi đời trên 15 năm, đã được sửa chữa đã nhiều lần và nay cũng vướng cơ chế, nên... không thể sửa.

Tương tự với tình cảnh chụp CT, dù y bác sĩ nơi đây làm việc xuyên trưa nhưng chỉ thực hiện được từ 2.000-3.000 lượt/ngày.

Ngoài ra vì máy móc xuống cấp, không được sửa chữa thay thế, để đảm bảo chất lượng chẩn đoán cũng là một vấn đề lớn với các bác sĩ Khoa Siêu âm.

Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ có 2 máy CT cầm cự, 4.000 bệnh nhân chịu khổ mỗi ngày - 3

Mỗi ngày có khoảng 4.000 bệnh nhân phải chuyển sang nơi khác chụp CT, các trường hợp còn lại cũng phải chờ đợi tại chỗ rất lâu (Ảnh: CTV).

Trong báo cáo gửi đến Bộ Y tế, Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, việc sửa chữa, bảo trì, linh kiện thay thế trang thiết bị y tế chưa có quy định cụ thể, dẫn đến bệnh viện không xác định được giá gói thầu để mua sắm sửa chữa.

Thực tế từ ngày 1/1/2022 khi Nghị định 98 có hiệu lực thi hành đến nay, việc thu thập đầy đủ các báo giá cũng như tham khảo giá kê khai, công khai trên cổng thông tin gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như máy chụp CT, máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy siêu âm màu… đều không có đủ 3 báo giá theo quy định để thực hiện đấu thầu mua sắm mới trang thiết bị y tế cũng như sửa chữa bảo trì.

Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Bệnh viện thường xuyên trong trạng thái thiếu trang thiết bị y tế, thiết bị hư hỏng không sửa chữa được, phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác để thực hiện gây rất nhiều khó khăn, phiền toái cho người bệnh.

Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị lãnh đạo Bộ Y tế chỉ đạo các Vụ, Cục khẩn trương giải quyết các vướng mắc, khó khăn hiện nay.

Thứ nhất, quản lý giá trang thiết bị y tế phải đảm bảo tính công khai khách quan với giá trị thực của thiết bị, phải có cơ quan kiểm soát và chịu trách nhiệm việc kê khai và công khai giá.

Thứ hai, khẩn trương cấp mới, cấp lại, gia hạn số lưu hành, giấy phép nhập khẩu để nhanh chóng có vật tư y tế, hóa chất phục vụ điều trị người bệnh.

Thứ ba, về lâu dài cần thiết xây dựng luật đấu thầu riêng cho ngành y tế, hoặc bổ sung chương đấu thầu cho ngành y tế trong luật đấu thầu.