Bệnh viện Chợ Rẫy "cầu cứu" khẩn Bộ Tài chính việc mua sắm vật tư y tế

Hoàng Lê

(Dân trí) - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, nếu bệnh viện tiếp tục chờ đợi 3 báo giá theo quy định thì không thể xây dựng được giá gói thầu mua sắm vật tư y tế, từ đó chắc chắn nơi này sẽ tạm ngưng hoạt động.

Chiều 23/2, thông tin với Dân trí, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết đã ký văn bản khẩn gửi Bộ Tài chính, về việc hướng dẫn vướng mắc trong xây dựng giá gói thầu mua sắm vật tư y tế.

Theo văn bản, tại khoản 7 Điều 1 Thông tư 68 năm 2022 của Bộ Tài chính có quy định về giá gói thầu.

Cụ thể, trên cơ sở dự toán mua sắm được phê duyệt, giá gói thầu được xác định căn cứ ít nhất một trong các tài liệu để sát giá thị trường.

Bệnh viện Chợ Rẫy cầu cứu khẩn Bộ Tài chính việc mua sắm vật tư y tế - 1

Bệnh nhân chờ lấy thuốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh: Hoàng Lê).

Theo đó, giá thị trường được tham khảo từ ít nhất 3 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau trên địa bàn tại thời điểm gần nhất, tối đa không quá 90 ngày trước ngày trình cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trong trường hợp không đủ 3 nhà cung cấp trên địa bàn, có thể tham khảo trên địa bàn khác hoặc từ các nguồn thông tin do cơ quan có thẩm quyền, tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố.

Căn cứ theo quy định trên, thực tế hiện nay có rất nhiều mặt hàng hóa chất và vật tư y tế tiêu hao thiết yếu, quá trình triển khai xây dựng giá gói thầu, Bệnh viện Chợ Rẫy không thể nhận được đầy đủ 3 báo giá trên địa bàn, và cũng không thu thập được báo giá trên địa bàn khác. Vấn đề này đã gây rất nhiều trở ngại cho công tác điều trị và cấp cứu bệnh nhân.

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, nếu bệnh viện tiếp tục chờ đợi 3 báo giá thì không thể xây dựng được giá gói thầu. Từ đó, chắc chắn bệnh viện sẽ tạm ngưng hoạt động vì không đủ hóa chất để xác định chẩn đoán và không đủ vật tư y tế tiêu hao điều trị cho người bệnh.

Bệnh viện Chợ Rẫy cầu cứu khẩn Bộ Tài chính việc mua sắm vật tư y tế - 2

Máy móc thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh: BV).

Chính vì tính cấp thiết nêu trên, Bệnh viện Chợ Rẫy mong muốn Bộ Tài chính giải đáp về 3 trường hợp xây dựng giá gói thầu cụ thể.

Trường hợp 1: Bệnh viện chỉ có 1 báo giá của đơn vị cung cấp (công ty A) thấp hơn giá được kê khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế, do chính công ty A kê khai.

Trường hợp 2: Bệnh viện chỉ có 1 báo giá của đơn vị cung cấp (công ty A) thấp hơn giá được kê khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế do công ty khác kê khai (công ty B).

Trường hợp 3: Chỉ có duy nhất giá được kê khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế (tài liệu từ các nguồn thông tin do cơ quan có thẩm quyền, tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố).

"Xin kính hỏi với các dữ liệu cụ thể mà bệnh viện thu thập được tại các trường hợp nêu trên và một trong các trường hợp trên, có được xem là một trong các căn cứ để bệnh viện xây dựng giá gói thầu theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Thông tư 68/2022/TT-BTC" - phía Bệnh viện Chợ Rẫy đặt vấn đề.

Bệnh viện Chợ Rẫy cầu cứu khẩn Bộ Tài chính việc mua sắm vật tư y tế - 3

Bệnh viện Chợ Rẫy mong sớm được hướng dẫn trong vấn đề mua sắm vật tư y tế để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho người dân (Ảnh: BV).

Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị Bộ Tài chính xem xét và hướng dẫn về căn cứ xây dựng giá đối với các gói thầu có tình huống như trên, nhằm giúp cho đơn vị có cơ sở thực hiện công tác đấu thầu, đảm bảo các quy định của pháp luật về đấu thầu cũng như đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho người dân.

Ngoài Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và một số đơn vị khác tại TPHCM cũng có những động thái "cầu cứu" Sở Y tế TPHCM và Bộ Y tế tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.

Sáng 23/2, tại tọa đàm Ngành y vượt khó nhằm tháo gỡ những trở ngại, vướng mắc đang tồn tại, lãnh đạo các Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đồng loạt kêu cứu về việc sắp hết sạch vật tư y tế.

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết, các bệnh viện lớn trên toàn quốc hầu như đã hết vật tư y tế để dành cho chăm sóc người bệnh, các hóa chất xét nghiệm cũng hết. 

Ông phân tích, dự thảo sửa đổi, bổ sung nghị định 98/2021 có điều khoản gia hạn giấy phép nhập khẩu/số đăng ký đến ngày 31/12/2023 chưa được phê duyệt. Điều này dẫn đến bệnh viện không mua được hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị y tế...

Còn PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng chia sẻ, ngay sau Tết, số lượng bệnh nhân tăng đột biến. Hầu hết các thiết bị của bệnh viện 10 năm qua thực hiện liên doanh liên kết. Khi hết hợp đồng, các thông tư về liên doanh, liên kết cũng đã hết hiệu lực, nơi này đang chờ quy định mới. Do đó, thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh của Bệnh viện Bạch Mai đang thiếu trầm trọng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm