Thiếu vật tư, hóa chất: BV Việt Đức hạn chế mổ phiên, ưu tiên cấp cứu

Hồng Hải

(Dân trí) - Từ 1/3, tại Bệnh viện Việt Đức sẽ hạn chế mổ phiên, dành ưu tiên cấp cứu. Lý giải vấn đề này, lãnh đạo bệnh viện cho biết vì cạn kiệt nguồn vật tư, hóa chất, bác sĩ muốn mổ cũng không thể làm được.

Tối 23/2, Bệnh viện Việt Đức cho biết, nguồn vật tư, hóa chất dành cho phẫu thuật tại bệnh viện sắp rơi vào tình trạng cạn kiệt. Vì thế, bệnh viện phải sắp xếp lại việc điều trị, hạn chế bớt các ca mổ phiên để dành ưu tiên cho các ca bệnh phải mổ cấp cứu.

Thiếu vật tư, hóa chất: BV Việt Đức hạn chế mổ phiên, ưu tiên cấp cứu - 1

Với tình hình thiếu hóa chất, vật tư như hiện tại, Bệnh viện Việt Đức buộc phải hạn chế các ca mổ phiên, ưu tiên cho các ca cấp cứu (Ảnh minh họa: H.Hải).

Để đảm bảo hoạt động của bệnh viện, đặc biệt duy trì công tác khám, chữa bệnh cấp cứu, Ban lãnh đạo bệnh viện đề nghị các khoa lâm sàng hạn chế tối đa chỉ định cận lâm sàng không cấp cứu, hạn chế tối đa các ca mổ phiên. Yêu cầu này được thực hiện từ 1/3 cho tới khi có thông báo tiếp theo.

Sáng cùng ngày, tại buổi tọa đàm Ngành y vượt khó do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện cho biết, tình trạng thiếu vật tư, hóa chất đang xảy ra tại bệnh viện và ngày càng trầm trọng.

Cụ thể, bệnh viện không mua được các hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, các hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống...

"Hiện tại hóa chất khí máu chỉ còn đủ dùng một tuần, hóa chất ghép tạng đủ dùng cho 2 tuần. Việc thiếu hụt các hóa chất, vật tư này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khám chữa bệnh. Bệnh viện đã họp nhưng rất khó khăn", ông Giang cho biết. 

Giám đốc BV Việt Đức gọi tình trạng thiếu vật tư y tế là "cấp cứu của cấp cứu". Khi không còn vật tư, hóa chất, bác sĩ cũng bó tay, bó chân, muốn mổ, điều trị cho bệnh nhân cũng không thể thực hiện được.

Trước tình trạng này, bệnh viện sẽ ưu tiên cho các ca phẫu thuật cấp cứu. Bác sĩ lâm sàng sẽ đánh giá đúng tình trạng cấp cứu của người bệnh, để hồi sức, mổ cấp cứu theo quy định. Cân nhắc ra chỉ định xét nghiệm khi thật sự cần thiết hoặc trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các khoa xét nghiệm trước khi ra chỉ định.

Với trường hợp cấp cứu, yêu cầu hồ sơ bệnh án phải ghi đầy đủ tình trạng cấp cứu của người bệnh để ra chỉ định mổ cấp cứu.

Lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho biết, thời gian qua bệnh viện đã rất nỗ lực thực hiện các thủ tục đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm... đảm bảo đúng quy định pháp luật và kịp thời cung cấp cho công tác khám chữa bệnh trong toàn viện. Tuy nhiên, hiện một số hóa chất tồn kho phục vụ xét nghiệm cấp cứu đã sắp hết và việc đấu thầu mua sắm gặp vướng mắc chưa thể thực hiện được, dẫn đến tình trạng thiếu hóa chất, vật tư.

Tình trạng thiếu hóa chất, vật tư cũng xảy ra tại nhiều bệnh viện khác. Như tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện cho biết đã ký văn bản khẩn gửi Bộ Tài chính, về việc hướng dẫn vướng mắc trong xây dựng giá gói thầu mua sắm vật tư y tế.

TS Thức chia sẻ, nếu bệnh viện tiếp tục chờ đợi 3 báo giá thì không thể xây dựng được giá gói thầu. Từ đó, chắc chắn bệnh viện sẽ tạm ngưng hoạt động vì không đủ hóa chất để xác định chẩn đoán và không đủ vật tư y tế tiêu hao điều trị cho người bệnh.

Ngoài Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và một số đơn vị khác tại TPHCM cũng có những động thái "cầu cứu" Sở Y tế TPHCM và Bộ Y tế tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm