Nên dừng thai nghén nếu xác định hội chứng đầu nhỏ do vi rút Zika

(Dân trí) - Theo PGS.TS Trần Danh Cường, không phải trường hợp nào nhiễm zika vi rút đều gây hội chứng đầu nhỏ cho thai nhi nhưng nếu xác định là hội chứng này thì nên đình chỉ thai nghén.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo PGS.TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc BV Phụ sản TƯ, với người bình thường, Zika không nguy hiểm. Như WHO cho biết, biểu hiện bệnh còn nhẹ hơn sốt xuất huyết với 80% ca bệnh tự khỏi mà không cần chữa trị đặc biệt. Nhưng với thai phụ, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ, vi rút có nguy cơ gây ra hội chứng đầu nhỏ.

“Dù chưa có những bằng chứng chắc chắn, nhưng như WHO cảnh báo, những thai phụ mang thai trong 3 tháng đầu mà xác định mắc Zika thì phải được theo dõi chặt chẽ. Việc phát hiện hội chứng đầu nhỏ không khó vì bằng siêu âm 2 tuần/lần để theo dõi sự phát triển của chu vi vòng đầu, so sánh với bảng phát triển bình thường theo tháng tuổi, nếu bất thường sẽ nhận ra ngay”, TS Cường nói.

Ông cũng chia sẻ quan điểm, khi phát hiện thai nhi mắc hội chứng đầu nhỏ do Zika nên dừng thai nghén. Một số nước không cho phép nhưng ở Việt Nam thì được phép đình chỉ thai nghén vì lý do này. Bởi không riêng gì hội chứng đầu nhỏ do vi rút Zika, mà mắc hội chứng đầu nhỏ do các nguyên nhân khác, trẻ sinh ra không tử vong nhưng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về thần kinh và vận động.

Tuy nhiên, TS Cường cũng nhấn mạnh, để xác định thai nhi bị đầu nhỏ phải theo dõi trong cả một quá trình thai nghén. Bởi cũng có trường hợp đầu bé do tính chất gia đình. Việc theo dõi cả quá trình, đo chu vi vòng đầu cả quá trình mới có thể khẳng định là hội chứng đầu nhỏ hay không.

Với bệnh nhân khẳng định thai nhi mắc hội chứng đầu nhỏ do vi rút Zika, trước khi đưa ra quyết định đình chỉ hay tiếp tục giữ thai bệnh nhân sẽ được tư vấn với cả hội đồng. Tương tự với rubella trước kia, để đánh giá có phải đình chỉ thai do nguy cơ gây hội chứng rubella bẩm sinh trên thai nhi, các bác sĩ sẽ hội chẩn kỹ các nguy cơ trước khi đưa ra quyết định. Việc đình chỉ thai nghén sẽ tùy thuộc theo tuổi thai, nếu phát hiện trước 22 tuần, việc quyết định ngừng thai nghén rất dễ, nhưng nếu muộn hơn 32 tuần thì việc đình chỉ là khó khăn, nhiều nguy cơ cho mẹ. Vì thế, việc theo dõi thai theo đúng lịch hẹn của bác sĩ là rất quan trọng để kịp thời phát hiện nguy cơ.

Dù có nguy cơ, nhưng TS Cường cũng khuyến cáo các thai phụ không quá lo lắng. Bởi trên thế giới, cụ thể ở Brazil, tỉ lệ phụ nữ mang thai mắc Zika có con mắc hội chứng đầu bé cũng chỉ khoảng 10%. Vì thế, việc theo dõi chặt trong 3 tháng đầu để phát hiện nguy cơ là vô cùng quan trọng.

Trước câu hỏi, do biểu hiện bệnh không rõ ràng, có những thai phụ không có triệu chứng đặc biệt, làm thế nào để phát hiện nguy cơ nhiễm vi rút Zika, TS Cường cho biết, mọi thai phụ vẫn cần đi khám thai, siêu âm thai theo hướng dẫn của bác sĩ. Chỉ những thai phụ được chẩn đoán Zika mới cần siêu âm 2 tuần/lần để đánh giá sự phát triển chu vi vòng đầu thai nhi, xem vi rút Zika có gây ảnh hưởng hay không.

Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định, vi rút Zika vốn lành tính hơn sốt xuất huyết, nhưng nó lại đặc biệt nguy hiểm với thai phụ vì dù không phải trường hợp nào mang thai nhiễm Zika đều gây hội chứng đầu nhỏ, nhưng Bộ Y tế vẫn khuyến cáo phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu có biểu hiện sốt, phát ban, có triệu chứng viêm kết mạc thì lập tức đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán.

Nếu khẳng định thai phụ dương tính với vi rút Zika thì sẽ cần được theo dõi hội chứng đầu nhỏ. Hiện nay, các cơ sở sản khoa từ tuyến tỉnh trở nên đều có đủ khả năng theo dõi tình trạng sức khỏe của thai nhi và khi phát hiện các dấu hiệu bất thường nào của thai nhi các bác sỹ sẽ cùng gia đình thảo luận để có giải pháp tốt nhất.
“Về trường hợp nhiễm vi rút Zika là thai phụ mang thai 8 tuần tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngay sau khi phát hiện, Bộ Y tế chỉ đạo hệ thống sản nhi có các hướng dẫn và theo dõi sức khỏe với những phụ nữ mang thai. Cả hai ca mắc Zika đầu tiên hiện đều đang được điều trị tại nhà vì diễn biến nhẹ. Các mẫu bệnh phẩm người thân, hàng xóm xung quanh đều cho âm tính với Zika”, GS Long cho biết.

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Ứng phó với bệnh Zika