Nam giới thắt ống dẫn tinh có con lại được không?

Hà An

(Dân trí) - Thắt ống dẫn tinh là một phương pháp tránh thai vĩnh viễn với nam giới. Tuy nhiên, tin tốt là bác sĩ có thể nối chúng lại và sau đó nam giới vẫn có thể có con được.

Thắt ống dẫn tinh là hình thức tránh thai vĩnh viễn phổ biến thứ hai ở Mỹ. Bác sĩ chuyên khoa tiết niệu Elmer B. Pineda, Trung tâm Y tế Bệnh viện Pomona Valley (Mỹ) cho biết, chúng có thể hồi phục, song thực tế chỉ 6% những người đã thắt ống dẫn tinh yêu cầu thay đổi.

Thắt ống dẫn tinh là một thủ thuật đơn giản nhằm cắt bỏ một phần ống dẫn tinh và bít 2 đầu ống dẫn lại bằng phương pháp đốt điện hoặc laser, mục đích là để ngăn chặn tinh trùng đi ra ngoài và tránh thai. Ống dẫn tinh đã bị thắt có thể nối lại được để tinh trùng có thể đi vào tinh dịch và khôi phục lại khả năng sinh sản. Thủ thuật này phức tạp hơn nhiều so với việc thắt ống dẫn tinh.

Nam giới thắt ống dẫn tinh có con lại được không? - 1

Tuy nhiên, việc nối lại ống dẫn tinh không đảm bảo 100% cho việc mang thai. Theo bác sĩ Elmer B. Pineda có rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến việc mang thai như tuổi của người vợ khi mong muốn có thai, tay nghề của bác sĩ, các vấn đề về khả năng sinh sản trong quá khứ trước khi thắt ống dẫn tinh.

Theo Insider, mặc dù bạn có thể nối lại ống dẫn tinh bất cứ lúc nào, nhưng thành công sẽ lớn hơn nếu bạn làm thủ thuật này sớm hơn. Ví dụ, tỷ lệ mang thai thành công có thể lên đến 76% nếu việc nối lại ống dẫn tinh được thực hiện trong vòng 3 năm sau khi thắt ống dẫn tinh, nhưng giảm xuống còn khoảng 30% sau 15 năm hoặc hơn, bác sĩ khoa tiết niệu Jessica Yih của Đại học Bang Ohio (Mỹ) cho biết.

Theo bác sĩ Pineda, một ca nối lại ống dẫn tinh được thực hiện dưới gây mê toàn thân và mất khoảng 2-4 giờ. Bác sĩ sẽ xét nghiệm tinh dịch đồ cho bệnh nhân từ 2 đến 3 tháng một lần để xác định số lượng tinh trùng. Và sự kiên nhẫn là chìa khóa ở đây, vì có thể mất 4 đến 12 tháng để bạn đời của bạn có thể mang thai sau khi bạn nối lại ống dẫn tinh bị thắt.

Sau khi làm thủ thuật, bạn có thể thấy khó chịu nhẹ ở bìu, bìu sưng tấy, chảy máu, nhiễm trùng có thể xảy ra dù nguy cơ thấp - dưới 3%.

"Bệnh nhân thường được khuyên đeo giá đỡ ở bìu, như dây buộc trong khoảng một tháng sau đó. Đồng thời, tránh hoạt động gắng sức và không nâng bất cứ vật gì nặng hơn 2-5 kg trong khoảng bốn tuần", bác sĩ Pineda nói.

Ngoài ra, sau khi phẫu thuật cánh mày râu lưu ý không xuất tinh trong vòng một tháng. Việc xuất tinh có thể gây căng thẳng cho các ống được nối lại và làm tăng nguy cơ thất bại do các mô sẹo ngăn chặn kết nối.

Bác sĩ khuyên nếu bạn đang cân nhắc việc thắt lại ống dẫn tinh, bạn càng thực hiện sớm thì kết quả càng tốt.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm