Mùa dịch "kép", phân biệt sốt xuất huyết và Covid-19 như thế nào?

Minh Nhật

(Dân trí) - Sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus. Đáng chú ý, vào giai đoạn đầu khởi phát bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng giống nhau.

Mùa dịch "kép", phân biệt sốt xuất huyết và Covid-19 như thế nào?

Điểm mấu chốt giúp phân biệt Covid-19 và sốt xuất huyết

Trong khi Covid-19 còn diễn biến phức tạp, thì dịch sốt xuất huyết ở nước ta cũng đang vào mùa. 

TS.BS. Nguyễn Thanh Vân – Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, sốt, đau đầu, mỏi người là các triệu chứng chung ban đầu của sốt xuất huyết và Covid-19 dễ gây nhầm lẫn.

Mùa dịch kép, phân biệt sốt xuất huyết và Covid-19 như thế nào? - 1

Dấu hiệu ban đầu của sốt xuất huyết và Covid-19 dễ gây nhầm lẫn

Tuy nhiên, cũng theo TS Vân, hai bệnh có những điểm đặc trưng riêng về yếu tố dịch tễ, đường lây truyền cũng như bệnh cảnh để có thể phân biệt.

Cụ thể, về đường lây truyền, Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi mang virus Dengue.

Về bệnh cảnh, bệnh nhân mắc Covid-19 thường có các biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi,… nặng sẽ tiến triển thành viêm phổi và suy hô hấp. Trong khi đó, bệnh nhân sốt xuất huyết điển hình với những biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc.

Số ca sốt xuất huyết gia tăng, cần đề cao cảnh giác

Theo TS.BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus-Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, diễn biến của dịch sốt xuất huyết của nước ta trong năm 2020 vẫn như mọi năm. Dịch diễn ra ở miền Bắc từ tháng 6 hoặc tháng 7 và kết thúc vào tháng khoảng tháng 12. Ở miền Nam, dịch trải đều trong năm.

Mùa dịch kép, phân biệt sốt xuất huyết và Covid-19 như thế nào? - 2

TS.BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus-Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

“Trong vụ dịch năm nay, từ tháng 8 chúng tôi ghi nhận rải rác một số ca. Tuy nhiên, đến cuối tháng 8, đầu tháng 9 số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết vào viện nhiều hơn hẳn. Trong giai đoạn vừa qua, có những ngày trên dưới 10 bệnh nhân sốt xuất huyết phải nhập viện”- BS Thư cho hay.

Theo chuyên gia này, không giống như các bệnh virus thông thường khác có thể tự khỏi sau 3-5 ngày, sốt xuất huyết có thể diễn biến nặng ở ngày 4-7.

Thời điểm này, bệnh nhân có thể xảy ra hiện tượng cô đặc máu dẫn đến tử vong. Do đó, BS Thư khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe, cũng như tính mạng của bản thân, khi ghi nhận những dấu hiệu nghi ngờ, người dân cần đến bệnh viện để thăm khám trong 3 ngày đầu.

Mùa dịch kép, phân biệt sốt xuất huyết và Covid-19 như thế nào? - 3

Số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện điều trị tăng cao trong thời gian trở lại đây

Chuyên gia khuyến cáo, trong mùa dịch, khi sốt có kèm theo 5 dấu hiệu dưới đây, rất có thể bạn đã mắc sốt xuất huyết và cần đến bệnh viện sàng lọc ngay:

- Đột nhiên bồn chồn, kích thích vật vã hoặc li bì;

- Nôn tăng;

- Đột nhiên đau bụng hoặc tăng cảm giác đau;

- Tiểu ít, số lần đi ít hơn, số lượng giảm hơn;

- Chảy máu bất kỳ chỗ nào: chân răng, máu cam...;

Vừa qua, xuất hiện thực trạng nhiều người dân e ngại Covid-19 khi đến bệnh viện để khám, chữa bệnh nên tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà. BS Thư cảnh báo rằng, sốt xuất huyết không phải là bệnh thông thường, mà là bệnh nhiễm trùng cấp tính có thể diễn biến nặng và tử vong nên phải có sự theo dõi của nhân viên y tế.

“Với các bệnh nhân sốt xuất huyết, ngày nào chúng tôi cũng phải thực hiện xét nghiệm công thức máu để đánh giá tình trạng, từ đó có phác đồ điều trị phù hợp theo từng giai đoạn. Đây là những việc mà người dân không thể tự làm được tại nhà” – BS Thư nhấn mạnh.

Chuyên gia này cũng lưu ý rằng, hiện chưa có vắc xin dự phòng sốt xuất huyết. Bệnh không lây trực tiếp giữa người với người mà lây truyền qua trung gian muỗi nên biện pháp dự phòng hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng và tránh muỗi đốt.