Làm gì khi có dấu hiệu nghi ngờ ung thư đại trực tràng?
(Dân trí) - Khi phát hiện ra những dấu hiệu nghi ngờ của ung thư đại trực tràng, tôi cần theo dõi sức khỏe và thăm khám như thế nào? (Thi Ân, Hà Nội)
GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội): Bạn nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác bệnh. Bác sĩ có chỉ định bạn làm một số xét nghiệm sau.
-Xét nghiệm tìm máu trong phân
Những người có xét nghiệm máu ẩn trong phân dương tính sẽ có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng và cần được soi toàn bộ đại tràng.
Mọi người dân từ 50 tuổi trở lên cần làm xét nghiệm máu ẩn trong phân mỗi năm một lần. Những người có nguy cơ cao như tiền sử bản thân hoặc gia đình bị u tuyến, các hội chứng đa polyp hoặc ung thư đại trực tràng, các bệnh viêm ruột... nên được làm xét nghiệm máu ẩn trong phân cùng các biện pháp khác ở độ tuổi sớm hơn theo lời khuyên của thầy thuốc.
- Soi toàn bộ đại tràng
Soi toàn bộ đại tràng là phương pháp tốt nhất hiện nay trong sàng lọc ung thư đại - trực tràng. Dùng ống soi mềm có đầu soi để quan sát được toàn bộ đại tràng.
Trong khi soi, nếu phát hiện các tổn thương nghi ngờ ung thư hoặc tiền ung thư, sẽ tiến hành sinh thiết hoặc lấy bỏ các tổn thương này để chẩn đoán và điều trị.
Soi toàn bộ đại tràng cũng nên được bắt đầu ở độ tuổi 50, cùng với làm xét nghiệm máu ẩn trong phân. Tùy thuộc vào tổn thương được phát hiện khi soi mà khoảng cách các lần soi sau có thể từ 3-10 năm một lần.
- Thăm trực tràng bằng tay
Trước đây, phương pháp này được đề xuất trong sàng lọc ung thư trực tràng. Nếu chỉ dùng đơn thuần phương pháp này sẽ bỏ sót các bất thường trong đại tràng bao gồm cả ung thư.
Đỗ Hiên