Những ai cần đề phòng bệnh ung thư đại trực tràng “điểm danh”
(Dân trí) - Hội chứng đa polyp tuyến có tính chất gia đình, đột biến gene, hút thuốc lá, rượu bia, chế độ ăn nhiều thịt đỏ… đều là những yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư đại trực tràng.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Quang, Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) cho biết, tại Việt Nam, năm 2018 ghi nhận gần 15.000 ca mắc ung thư đại trực tràng, trong đó có gần 9.300 ca tử vong. Ung thư đại trực tràng hiện xếp thứ 5 trong số các ung thư phổ biến nhất Việt Nam, đứng sau ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư vú.
Theo dự báo đến 2025, ung thư đại trực tràng sẽ vươn lên hàng thứ 2 ở nam giới và thứ 4 ở nữ giới.
Ung thư đại trực tràng có thể phòng ngừa và phát hiện sớm, ở giai đoạn đầu tỉ lệ sống sau 5 năm lên tới 90%. Tuy nhiên dưới 10% bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn sống quá 5 năm.
TS Quang cho biết có 2 nhóm yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng dưới đây:
Những yếu tố không thể thay đổi:
Di truyền
- Hội chứng ung thư đại trực tràng có yếu tố di truyền
Hội chứng đa polyp tuyến có tính chất gia đình (FAP) và hội chứng Lynch là hai hội chứng phổ biến. Chúng chiếm khoảng 5% các trường hợp ung thư đại trực tràng, trong đó chủ yếu là hội chứng Lynch.
Người mang đột biến gene: chiếm khoảng 10%, bao gồm đột biến gene APC, MUTYH, BRCA1, BRCA2, PALB2, CDKN2A, TP53…
Người mang đột biến gene TB mầm: khoảng 16%, thường chẩn đoán trước 50 tuổi.
- Hội chứng ung thư vú và cổ tử cung có yếu tố di truyền, liên quan đến đột biến gene BRCA1 và BRCA2.
- Tiền sử bản thân và gia đình mắc ung thư đại trực tràng hoặc polyp tuyến
Tiền sử bản thân polyp tuyến (hơn 1cm), đặc biệt là đa polyp, độ loạn sản cao làm tăng nguy cơ mắc 3,5-6,5 lần.
Tiền sử gia đình có cha, mẹ, anh/chị/em mắc ung thư đại trực tràng có nguy cơ mắc ung thư tăng gấp 2 lần.
Tuổi
Tuổi tác là một trong những yếu tố nguy cơ của ung thư đại trực tràng. Tuổi càng cao, tỉ lệ mắc càng lớn, nguy cơ mắc tăng đáng kể sau 50 tuổi từ 1,75- 10,29 lần.
Giới
Nguy cơ mắc ở nam giới gấp 1,5 lần nữ giới. Ở đây có thể là do vai trò của estrogen như một yếu tố bảo vệ chống lại ung thư ở nữ giới. Hơn nữa nam giới cũng có nhận thức thấp hơn về triệu chứng và lợi ích của việc sàng lọc
Dân tộc
Nghiên cứu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho thấy người dân một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn.
Tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng
Các yếu tố có thể thay đổi được:
- Hút thuốc lá
- Lạm dụng rượu bia
- Thừa cân, béo phì
- Dinh dưỡng
Tiêu thụ thịt chế biến sẵn, chế độ ăn nhiều thịt đỏ là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh.
- Bệnh mạn tính
Các bệnh mạn tính phối hợp như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch cũng được xem là yếu tố nguy cơ của ung thư đại trực tràng, thường ở nam giới cao hơn nữ giới.
- Hệ vi khuẩn (Microbiota)
Theo TS Quang, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi, tuy nhiên một số nghiên cứu chỉ ra nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng tăng 1,4 lần ở nhóm bệnh nhân có H.Pylori dương tính. Sự mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột cũng có mối liên quan với tình trạng mắc ung thư đại trực tràng.
So với các bệnh ung thư đường tiêu hóa thì ung thư đại trực tràng có tiên lượng tốt hơn. Điều trị bệnh là điều trị đa mô thức: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị trong đó phẫu thuật đóng vai trò quan trọng và quyết định nhất. Tỷ lệ sống thêm 5 năm sau mổ ở giai đoạn 1 là 92%, giai đoạn 2 là 70-80%, giai đoạn 3 là 50-60% , đến giai đoạn 4 chỉ còn là 11%.
Nam Phương