Làm gì khi bị đau xương do uống thuốc nội tiết?
(Dân trí) - Bệnh nhân điều trị thuốc nội tiết và bị đau nhức xương khớp có thể uống thuốc giảm đau được không? Có cách nào làm giảm tác dụng phụ này không?
ThS.BS Trương Thị Kiều Oanh, Đơn nguyên Nội theo yêu cầu III, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết đau xương khớp hay đau cơ là tác dụng phụ hay gặp ở bệnh nhân ung thư vú điều trị nội tiết. Tình trạng này là do giảm nồng độ estrogen gây ra và cũng là biểu hiện của những phụ nữ đã mãn kinh. Triệu chứng đau thường chỉ ở mức độ nhẹ và tạm thời. Tuy nhiên một số bệnh nhân có thể đau nặng và kéo dài. Cần xác định những nguy cơ khác có thể gây đau như di căn xương để điều trị đặc hiệu.
Bệnh nhân cũng cần được kiểm tra nồng độ canxi và vitamin nhất là những bệnh nhân đã mãn kinh. Tăng cường thức ăn giàu canxi như tôm, cua, cá… hoặc có thể phải bổ sung vitamin D và canxi theo chỉ dẫn của bác sĩ. Một trong những nguyên nhân đau mỏi xương khớp cũng có thể do bệnh loãng xương do thiếu canxi gây ra.
Bệnh nhân đau nhức xương khớp thông thường có thể sử dụng các phương pháp vật lý trị liệu, xoa bóp, massage, bấm huyệt, châm cứu để giảm các triệu chứng đau. Ngoài ra một số bài tập thể dục như đi bộ, khiêu vũ, yoga cũng có thể làm tăng sự dẻo dai của hệ cơ xương khớp.
Nếu như tất cả các biện pháp trên đã áp dụng mà triệu chứng đau vẫn không được cải thiện, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì bệnh nhân mới cân nhắc đến việc sử dụng thuốc giảm đau. Một số thuốc giảm đau có thể được sử dụng như paracetamol hay thuốc giảm đau chống viêm không steroid như ibuprofen. Tuy nhiên trước khi sử dụng thuốc giảm đau, bệnh nhân nên xin ý kiến bác sĩ về liều dùng, thời gian dùng và các tác dụng phụ của thuốc giảm đau.
Nếu triệu chứng đau vẫn không cải thiện thì hãy thông báo với bác sĩ điều trị. Bác sĩ có thể sẽ phải cân nhắc cho bệnh nhân chuyển sang một loại thuốc nội tiết khác.