Ăn gì để giảm nguy cơ tái phát ung thư vú?
(Dân trí) - Không có phương pháp chắc chắn nào để ngăn ngừa ung thư vú, nhưng việc kết hợp thực phẩm có đặc tính chống ung thư vào chế độ ăn uống có thể giúp bạn giảm nguy cơ tái phát.
Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên sẽ tốt cho sức khỏe tổng thể, đặc biệt là khi bạn bị ung thư vú.
Hầu hết các chuyên gia điều trị ung thư đều khuyên bạn nên ăn một chế độ ăn dựa trên thực vật- giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Những thực phẩm này cũng cung cấp các hợp chất có nguồn gốc thực vật như polyphenol (vi chất dinh dưỡng có trong tự nhiên), có thể giúp ngăn ngừa và điều trị ung thư thông qua tác động trực tiếp đến các quá trình tế bào và chất chống oxy hóa, có thể làm giảm tổn thương do stress oxy hóa đối với tế bào.
Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy rằng một chế độ ăn uống nhiều polyphenol dẫn đến việc giảm đáng kể tình trạng viêm ở những người bị ung thư vú.
Theo Verywell, ăn nhiều chất xơ có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư vú dương tính với thụ thể estrogen và progesterone, và bằng chứng ngày càng tăng, thể hiện trong một phân tích tổng hợp các nghiên cứu để xem xét mối liên hệ giữa lượng chất xơ với tỷ lệ mắc ung thư vú.
Ngoài ra, một chế độ ăn uống dựa trên thực vật giàu ngũ cốc, hạt, đậu, rau và trái cây nguyên hạt, chưa qua chế biến có lợi cho việc cân bằng lượng đường trong máu và duy trì cân nặng hợp lý. Giữ cân nặng hợp lý trong suốt cuộc đời là điều quan trọng để giảm nguy cơ ung thư, bao gồm cả nguy cơ ung thư vú - vì trọng lượng cơ thể cao hơn có nghĩa là mức estrogen lưu thông cao hơn. Theo Johns Hopkins Medicine, những người sống sót sau ung thư vú mà bị thừa cân có nhiều khả năng bị ung thư tái phát hơn.
Tuy nhiên, ăn đủ calo để duy trì cân nặng hợp lý có thể là một thách thức vì các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị có thể gây buồn nôn và cũng ảnh hưởng đến hương vị của thức ăn, khiến thức ăn kém hấp dẫn, có thể dẫn đến giảm cân không chủ ý. Giảm cân quá nhiều có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày thường xuyên như tắm và mặc quần áo.
Dưới đây là một số thực phẩm giúp giảm nguy cơ tái phát ung thư vú.
Rau cải
Mặc dù tất cả các loại rau đều được coi là lành mạnh, nhưng một số loại có thể đặc biệt có lợi cho việc giảm nguy cơ ung thư. Ví dụ, các loại rau thuộc họ cải có chứa các hợp chất lưu huỳnh, có thể có đặc tính chống ung thư, có thể bổ sung hiệu quả cho liệu pháp điều trị ung thư tiêu chuẩn để giảm nguy cơ tái phát.
Các loại rau chứa lưu huỳnh bao gồm: súp lơ, bắp cải, cải xoăn, bắp cải Brucxen, cải xoong…
Đậu nành và các loại đậu
Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành đã bị chỉ trích nhiều trong những năm qua liên quan đến nguy cơ ung thư vú. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây củng cố rằng isoflavone trong đậu nành (dạng estrogen thực vật) có thể giúp ngăn ngừa ung thư vú.
Khi được tiêu thụ trong suốt cuộc đời, những estrogen thực vật này có thể giúp điều chỉnh sự hấp thụ estrogen trong cơ thể, thực sự ngăn chặn các thụ thể estrogen.
Isoflavone genistein có thể chống ung thư, hoạt động như một chất chống oxy hóa. Tuy nhiên, quá nhiều genistein (ví dụ, từ các chất bổ sung) có thể kích hoạt sự phát triển của khối u, đặc biệt nếu dùng khi trưởng thành hoặc nếu trước đó bạn đã bị ung thư dương tính với thụ thể estrogen.
Các loại đậu khác và các thành viên của gia đình họ đậu rất bổ dưỡng, ít chất béo, giàu protein, và giàu chất chống oxy hóa và saponin. Mặc dù chúng không có mục đích ngăn ngừa ung thư vú cụ thể, nhưng chúng có thể hữu ích cho những người đang cố gắng đạt được hoặc duy trì cân nặng hợp lý hoặc cải thiện sức khỏe của họ nói chung.
Quả mọng và cam quýt
Nhiều loại trái cây, đặc biệt là các loại quả mọng và cam quýt giàu chất xơ, có nhiều tính năng chống ung thư, bao gồm một lượng lớn folate, vitamin C, polyphenol và chất chống oxy hóa. Mỗi hợp chất này có thể hữu ích trong việc giảm nguy cơ tái phát.
Các nguồn quả mọng và cam quýt bao gồm: dâu tây, quả việt quất, mâm xôi, dâu đen, táo, chanh vàng, đào, bưởi.
Các loại thảo mộc và gia vị
Thảo mộc và gia vị làm tăng hương vị trong nhiều món ăn và đôi khi có thể được sử dụng thay vì thêm nhiều muối. Một số loại thảo mộc và gia vị thậm chí còn được coi là có khả năng tăng cường sức khỏe, nhưng không bao giờ được sử dụng như một phương pháp điều trị đầu tiên thay cho chăm sóc y tế truyền thống. Để có kết quả tốt nhất, hãy tiêu thụ các loại thảo mộc và gia vị cùng với chế độ ăn uống lành mạnh và kết hợp với điều trị y tế tiêu chuẩn.
Các loại thảo mộc và gia vị có thể có lợi bao gồm: quế, nghệ, tiêu đen, gừng
Cá béo
Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng thêm cá vào chế độ ăn uống của bạn ba lần mỗi tuần sẽ hiệu quả hơn so với việc dùng thực phẩm bổ sung. Cân nhắc hoán đổi khẩu phần (hoặc nhiều hơn) thịt đỏ cho những loại cá béo này: cá hồi, cá ngừ, cá thu, các trích, cá mòi…
Cà phê và trà xanh
Tính chất trong cà phê và trà xanh có tác dụng chống ung thư. Epigallocatechin gallate (EGCG) và axit chlorogenic (CGA) là đặc tính của polyphenol trong trà xanh, và polyphenol trong cà phê được chứng minh là có hầu hết các tác dụng chống ung thư. Ví dụ, EGCG gây ra quá trình apoptosis (chết tế bào theo chương trình) của tế bào ung thư.
Đây là một lĩnh vực nghiên cứu mới nổi. Trong các nghiên cứu trên động vật và phòng thí nghiệm, EGCG hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư vú. Vẫn chưa rõ mọi người nên tiêu thụ bao nhiêu cà phê và trà xanh để có lợi ích chống ung thư, nhưng nếu bạn thích những đồ uống này và không nhạy cảm với caffein thì vẫn có thể thưởng thức vừa phải.